Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương qua lời kể của cháu gái
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và những trăn trở với "Làng làng phố phố Hà Nội" "Suối Cọp" của Hữu Ước chạm đến trái tim người đọc Nhà văn Di Li nói gì về "Tật xấu người Việt"? |
Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý vào năm 2012. Ông luôn là niềm tự hào lớn của gia đình. Báo Tuổi trẻ Thủ đô xin trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - cháu gái nhà văn về bác của mình.
15 tuổi gia nhập Quân đội
Tôi ấn tượng nhất về bác mình là tháng 12 năm 1946, khi mới 15 tuổi, nhà văn Hồ Phương đã gia nhập lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu rồi gia nhập quân đội, trở thành “Chiến sỹ Quyết tử” và “Vệ Út” của Thủ đô sáu mươi ngày đêm khói lửa bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông, ghìm chân quân Pháp cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.
Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà văn Hồ Phương trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn.
Trong đó có chiến dịch biên giới năm 1950 (khi mới 20 tuổi) và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (khi mới 23 tuổi). Ông là chiến sĩ của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội là Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng. Từ chiến sĩ trưởng thành phóng viên, cán bộ phụ trách báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308, rồi làm chính trị viên Đại đội”.
Những buổi khi chúng tôi đến thăm, ông thường sôi nổi kể về kỷ niệm những ngày luyện tập gian khổ để chuẩn bị chiến đấu như việc cho gạch nặng vào ba lô và chạy bộ vòng quanh Văn Miếu. Khi đó nhà ông nội chúng tôi ở phố Ngô Tất Tố gần Văn Miếu.
Nhà văn Hồ Phương |
Ông nội mất đúng năm bố chúng tôi thi Đại học Tổng hợp Văn, nên chúng tôi chỉ được nghe kể về ông qua các câu chuyện của bác và bố. Bác cũng hay kể cho chúng tôi nghe về bác Nguyễn Văn Côn người anh cả từng làm tình báo viên thời chống Pháp hoạt động trong nội thành Hà Nội ra Hà Đông và đã bị giặc Pháp bắn chết khi trên đường làm nhiệm vụ. Bác Côn hy sinh khi mới 25 tuổi. Bác Côn đã ảnh hưởng nhiều đến bác Phương khi say sưa kể những câu chuyện văn học Pháp như Ba người lính ngự lâm, thơ của Alphonse de Lamartine, tiểu thuyết của Victor Hugo… một cách tự nhiên hấp dẫn đầy ma lực.
Ông nội chúng tôi là một nhà nho và là cụ đồ dạy học đã ảnh hưởng nhiều đến bác và bố chúng tôi khi ông hay kể chuyện về Bác Hồ và tư tưởng cách mạng của Bác. Tôi cũng nhớ có lần Bác Hồ Phương kể khi học lớp Nhất trường Bưởi ông đã viết văn, được phong làm “chủ bút” của tờ báo “Con bò lười” chuyên viết những câu chuyện hài hước dí dỏm của lớp.
Bác cũng kể về kỷ niệm năm 1946 khi mới 15 tuổi, ông được nhà văn Tô Hoài cho làm cộng tác viên trang Văn nghệ Thiếu nhi báo Cứu quốc. Sau này khi đã nổi tiếng, ông luôn tự hào rằng, trong tay mình luôn có hai vũ khí, một bên là tay súng, còn bên kia là tay bút. Với ông, viết là nhiệm vụ, là đam mê và cũng là “cái nợ” của cuộc đời.
Viết truyện ngắn khi mới 17 tuổi
Nhà văn Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội từ khi mới 17 tuổi và sớm trở nên nổi tiếng với tác phẩm truyện ngắn Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa lớp 9. Năm 1949 ông phụ trách một trong những tờ báo đầu tiên của Quân đội là báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308. Từ năm 1955, nhà văn Hồ Phương về Tổng cục chính trị, là thành viên tham gia thành lập tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957 và ông giữ chức Phó Tổng biên tập của Tạp chí nổi tiếng này trong một thời gian dài cho đến khi nghỉ hưu năm 1993.
Một thời gian ông đồng thời giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (năm 1957). Năm 1990 ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Nhà văn Hồ Phương và cháu gái - nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy |
Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, các tác phẩm của nhà văn Hồ Phương hầu như đều gắn với thời kỳ oanh liệt sôi nổi ấy. Không phải ngẫu nhiên nhà văn Nguyên Hồng đã nói về ông thế này: “Hồ Phương là một người lớn lên từ lò lửa chiến tranh và lửa yêu nước”.
Còn Tướng Vương Thừa Vũ khi đọc xong truyện ngắn “Thư nhà” của Hồ Phương đã cho liên lạc gọi cây bút tuổi 19 này lên để biểu dương khen ngợi.
Có thể khẳng định, hiện thực chiến tranh bi tráng với rất nhiều máu và mồ hôi của chiến sỹ, nhân dân đổ xuống, với lòng dũng cảm xả thân vì Tổ quốc của những Vệ quốc quân vốn là người nông dân mang áo lính đã thôi thúc Hồ Phương cầm bút. Không khí kháng chiến cộng hưởng vào tài hoa của người viết trẻ đã cho ra đời một truyện ngắn đầy chất đời sống và giàu tính nhân văn là “Thư nhà”.
Truyện ngắn này là một hiện tượng của thời chống Pháp. Hồ Phương đã chính thức đóng góp cho dòng văn học kháng chiến chống Pháp bằng truyện ngắn “ Thư nhà” khi ông mới xấp xỉ 19 tuổi (1948).
Sau này, danh sách tác phẩm của ông cứ dài ra theo năm tháng nhưng nói đến nhà văn Hồ Phương, người ta không thể không nhắc đến “ Thư nhà” và “ Cỏ non”.
Nhà văn Hồ Phương (bên phải) và em trai - nhà báo Nguyễn Trung Đông - bố nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy |
Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng trận thắng lịch sử lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu Điện Biên Phủ.
Năm 1954, nhà văn trẻ Hồ Phương được điều về Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ được giao là viết văn và làm tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chính nơi này, tài văn của Hồ Phương được ngày càng phát triển, nảy nở. Đồng hành với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nhà văn Hồ Phương đã cho ra đời nhiều tác phẩm nóng hổi hơi thở hiện thực và đầy đặn chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Dường như cuộc sống hào hùng của dân tộc trong giai đoạn lịch sử vô cùng dữ dội ấy đã tự nhiên bước vào, ùa vào các trang viết của Hồ Phương với tiểu thuyết “Những tiếng súng đầu tiên” (1955); “ Cỏ non” (truyện ngắn 1960); “ Xóm mới” (tập truyện ngắn, 1963); “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (ký sự dài, 1966); “ Kan Lịch” (tiểu thuyết, 1967); “Khi có một mặt trời” (truyện ký, 1972); “Những tầm cao” (tiểu thuyết 2 tập, 1975)…
Sức viết của nhà văn Hồ Phương thật đáng nể. Năng lượng sáng tạo cứ ăm ắp trong ông, khi đang còn tại ngũ hay về hưu rồi vẫn thế. Sau chiến tranh chống Mỹ và nối dài tới hôm nay, khi nhà văn đã ở vào bậc lão thành trong làng viết, nhiều tác phẩm của ông cứ lần lượt ra đời. Như gừng càng già càng cay, chất sống, chất văn trong các tác phẩm của Hồ Phương càng đậm đặc”.
Tiểu thuyết Cha và con của nhà văn Hồ Phương về Bác Hồ |
Gắn với tên tuổi nhà văn thiếu tướng Hồ Phương là các tiểu thuyết “Biển gọi” (1980); “Bình minh” (1981); “Mặt trời ấm sáng” (1985) ; “Cánh đồng phía Tây” (1994) ; “Yêu tinh” (2001) ; “Ngàn dâu” (2002); “Những cánh rừng lá đỏ” (2005) và đặc biệt tiểu thuyết viết về thời trai trẻ của Bác Hồ mang tên “Cha và con” được dư luận đánh giá cao và trở thành cuốn sách bán chạy của nhà xuất bản Kim Đồng.
Ta không lấy làm lạ khi rất nhiều sáng tác của Hồ Phương chủ yếu viết về cái anh hùng, cái tốt đẹp, cái tỏa sáng của bộ đội và nhân dân. Những anh hùng có thật trong đời như Kan Lịch, Lê Mã Lương, chiến sỹ Cồn Cỏ, lãnh tụ Hồ Chí Minh… đã trở thành nhân vật văn học trong tác phẩm của Hồ Phương. Ông chủ tâm phát hiện và đưa những con người tốt đẹp vào tác phẩm của mình.
Viết bao nhiêu cũng chưa đủ trả nợ cuộc đời
Nhà văn Hồ Phương tâm sự: “Khuynh hướng bao trùm các sáng tác của tôi là luôn luôn hướng về cái thiện và cái đẹp trong cuộc đời và những con người chân chính”. Một sự lựa chọn đáng trân trọng bởi chỉ có cái thiện, cái đẹp mới cứu rỗi được thế giới.
Những ai từng gặp nhà văn Hồ Phương những năm nghỉ hưu đều không khỏi ngạc nhiên khi biết ông đã xấp xỉ 90 vẫn luôn rất nhanh nhẹn, tinh tường, nói cười hào sảng, dí dỏm, vô cùng hồn hậu. Dường như tuổi tác không khuất phục được ông. Nói chuyện cùng ông, lúc nào người đối diện cũng nhận thấy nụ cười tươi. Khi câu chuyện được khơi đúng nguồn, ông nói liên tục không nghỉ với chất giọng trầm ấm, giàu nội lực. Ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Cha và con” dày 374 trang vào đúng năm Hà Nội kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Bác Hồ Phương và cháu gái là tôi đã đóng góp hai công trình kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long Hà Nội một cách rất đặc biệt theo cách riêng của mình. Khi bác 76 tuổi hoàn thành cuốn tiểu thuyết đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và xuất bản năm 2010 và cháu gái họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khi đó 39 tuổi hoàn thành công trình Con đường Gốm sứ ven sông Hồng- quà tặng Thăng Long Hà Nội 1000 năm. Công trình được Thành phố Hà Nội gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và được tổ chức Kỷ lục Guiness thế giới công nhận là bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới.
Nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tác phẩm của nhà văn Hồ Phương |
Cuộc sống đã đền đáp xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực của nhà văn Hồ Phương. Ông là một trong những vị Tướng - nhà văn hiếm hoi ở nước ta. Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương đã được trao các giải thưởng văn học của: Báo Văn nghệ (năm 1958 với truyện ngắn “Cỏ non”); Bộ Quốc phòng (năm 1994 với tiểu thuyết “Cánh đồng phía Tây”; Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Công an (năm 2001 với tiểu thuyết “Yêu tinh”); Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNTVN (năm 2003 với tiểu thuyết “Ngàn dâu”). Ông cũng đã được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhà văn chiến sỹ Hồ Phương hưởng thượng thọ 95 tuổi. Gia tài văn học của ông có thể xếp vào loại đồ sộ hoành tráng. Ông có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng và là một tên tuổi quen thuộc đối với nhiều thế hệ bạn viết, bạn đọc. Thế nhưng, Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương vẫn băn khoăn tâm sự: “Viết bao nhiêu cũng chưa đủ trả nợ cuộc đời”.
Cuộc đời của người lính, cuộc đời nhà văn, cuộc đời thường dân với muôn vàn ân nghĩa không dễ gì nói hết. Cái đẹp, cái thiện của cuộc sống đã để lại trong văn Hồ Phương những khoảng sáng đẹp đẽ, ấm áp. Ông sẽ sống mãi cùng những trang văn, trong lòng độc giả và nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Ông ở lại mặt đất này trong màu cỏ xanh mãi tận chân trời”.
"Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương sinh ngày 15 tháng 4 năm 1930 tại xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Bố của chúng tôi - nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Trung Đông là em trai nhà văn Hồ Phương cũng sinh ngày 15 nhưng là tháng 7 năm 1945", nữ họa sĩ cho biết. |