Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và những trăn trở với "Làng làng phố phố Hà Nội"
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến là một tác giả kỳ cựu với sự nghiệp cầm bút trên 30 năm. Hơn 30 năm sống với từng nhịp thở của mảnh đất Hà Nội quê hương, hơn 30 lăn lộn với đời trên khắp các vùng miền từ Nam ra Bắc, cũng là 30 năm rong ruổi với chữ nghĩa, Nguyễn Ngọc Tiến đã để lại một khối lượng tác phẩm dày dặn, phong phú về thể loại.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và nhà văn Nguyễn Trương Quý thảo luận về những vấn đề độc giả rất quan tâm |
Sau tập tản văn “Hà Nội còn một chút này” với đề tài viết về vùng đất kinh kỳ quê hương, tới đây, Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục ra mắt cuốn sách mới , “Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn”, bộc lộ những trải nghiệm và suy tư sâu sắc về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Hai cuốn sách này là chủ đề trò chuyện tại Hội sách lần này.
Viết về những điều ít người biết, thậm chí rất ít người biết, hầu như không có trên mạng xã hội, trên internet, đó chính là những điều cốt lõi mà Nguyễn Ngọc Tiến gửi gắm đến bạn đọc trong hai tác phẩm mới này. Bởi lẽ ông mong muốn cung cấp những thông tin thực sự thú vị cho bạn đọc. "Đọc hai cuốn này chắc chắn bạn đọc sẽ không phải hối tiếc", Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.
Hà Nội và những câu chuyện thú vị không bao giờ vơi
Hà Nội là một cái tên, một vùng đất, một đề tài thật đặc biệt: Người ta nói mãi, viết mãi mà dường như vẫn không hết chuyện, không thấy chán. Có lẽ Hà Nội không sống bền bỉ được như thế nếu thiếu đi những người kể chuyện có tài. Nguyễn Ngọc Tiến là một người kể chuyện hay và hấp dẫn về Hà Nội.
Tại buổi giao lưu, Nguyễn Ngọc Tiến cung cấp cho bạn đọc rất nhiều thông tin về Hà Nội một thời như chuyện phố Khâm Thiên, chuyện uống rượu, nhảy đầm... Tại sao nước hồ Gươm xanh, tại sao phố Tràng Tiền có những mái hiên, tại sao tại phố cổ có nhà sát vỉa hè... Nguyễn Ngọc Tiến tìm tòi câu trả lời cho chính mình và bạn đọc.
Buổi tọa đàm thu hút đông đảo độc giả |
Ai chịu khó đọc lại những cuốn sách của người nước ngoài ghi chép lại thì thấy nhiều tư liệu quý về người Hà Nội xưa từ thế kỉ 17 - 18. Điều đó cho thấy sự tế nhị, văn minh qua cách hỏi thăm người ốm "ăn được mấy bát cơm". Hay cách một ông thầy tu viết về các lớp áo của phụ nữ Hà Nội vừa khoe vẻ đẹp vừa kín đáo, tế nhị. Rồi cách ăn, cách sinh hoạt rất cầu kì, văn minh, lịch sự của người Hà Nội từ xưa lưu truyền lại.
"Thăng Long, Hà Nội xưa có tầng lớp buôn bán, trung lưu, có thời gian, có điều kiện, họ chế biến, cải tiến những món ăn theo cách riêng của mình. Cái chính để là nên nét tinh tế, đẹp đẽ của ẩm thực Hà Nội chính là người ăn. Từ sự góp ý của người sành điệu, cách nấu, cách chế biến để sao cho món ăn ngon hơn. Hay từ việc có điều kiện, người Hà Nội lựa chọn nguồn thực phẩm đầu vào có chất lượng cũng góp phần tăng lên sự cầu kì, sành điệu của ẩm thực Hà Nội", Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định.
Chính vì thế, mỗi khi cầm bút viết về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến luôn tâm niệm: Phải viết điều gì độc đáo, kể những câu chuyện khiến người khác muốn nghe. Vẫn là những phố ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không bao giờ viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm.
Cuốn sách "Hà Nội còn một chút này" |
Dân kinh kỳ nổi tiếng với những thú chơi độc lạ, nhưng ít ai biết tường tận để kể lại một thời chơi chó, chơi xe, chơi lô đề cười ra nước mắt như Nguyễn Ngọc Tiến. Những phố, những cửa ô, ga tàu, khu chợ, nhà hàng… tất thảy đều hiện lên mới lạ dưới sự quan sát tỉ mỉ và lối viết hóm hỉnh của ông.
Góc nhìn của Nguyễn Ngọc Tiến về Hà Nội bao quát từ lịch sử, địa lý, văn hóa cho đến những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, nếp sống của dân thị thành. Quan sát ở cả bề rộng lẫn chiều sâu, kết hợp những trải nghiệm thực tế của một người hằng ngày gắn bó với Hà Nội với những điều tra, khảo tả trong thư tịch, sách vở, Nguyễn Ngọc Tiến cho ta thấy một Hà Nội thú vị và phong phú biết bao.
Trong khi đó, Nguyễn Trương Quý là một tác giả cũng có rất nhiều tác phẩm sáng tác, khảo cứu về Hà Nội. Với vốn kiến thức, sự hiểu biết và gắn bó với Thủ đô của mình, hai nhà văn trao đổi, thảo luận, cung cấp rất nhiều thông tin thú vị với độc giả.
Chính bởi vậy, buổi tọa đàm thu hút đông đảo khán giả đến lắng nghe. Điều đó cho thấy sức hút, sức hấp dẫn, uy tín của hai nhà văn và vấn đề mà họ đề cập khiến nhiều người thích thú.
Việt Nam trong quá khứ và hiện tại
Nguyễn Ngọc Tiến là người nặng lòng với lịch sử đất nước. Đối với ông, lịch sử chứa đựng những câu chuyện gợi cho ta nhiều suy ngẫm về thực tại hôm nay. Đó có thể là cảm xúc tự hào, say mê nhưng cũng có thể là nỗi trăn trở, ngậm ngùi về những giá trị vang bóng và suy tàn.
Độc giả đặt câu hỏi giao lưu tại buổi tọa đàm |
Nếu chỉ bó hẹp trong đề tài Hà Nội thì vẫn còn nhiều "khoảng trống". Chính vì thế, có những vấn đề chưa được ai đề cập và anh có niềm vui của người đi khám phá "những chân trời lạ", anh đã cung cấp thêm những vấn đề ngoài Hà Nội, mở rộng thêm các vấn đề trên đất nước mình.
Là một nhà báo tài năng và có tiếng, Nguyễn Ngọc Tiến may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều tài liệu và nhân vật lịch sử, qua đó tái hiện những câu chuyện ít người biết. Ông là người được tiếp cận rất sớm với những tư liệu tiếng Đức về Erwin Borchers cùng các chiến sĩ ngoại quốc trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Câu chuyện về những chiến sĩ Việt Minh người Đức tưởng chừng xa vời như huyền thoại trong những chuyện kể, giờ đây lại hiện lên đặc biệt chân thực và sinh động qua trang viết của Nguyễn Ngọc Tiến.
Cuốn sách "Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn" |
Bên cạnh đó, chuyện về những cán bộ Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, chuyện về những “ông quan” với tinh thần đấu tranh, dám nghĩ dám làm đưa Việt Nam đi lên sau thời kỳ Đổi mới, và cả chuyện về những người nghệ sĩ một thời huy hoàng trên sân khấu cải lương, sân khấu chèo…
Vẫn với lối viết quen thuộc, Nguyễn Ngọc Tiến trình hiện những con người và sự kiện đó trước mắt độc giả qua những chi tiết chân thực và độc đáo nhất. Ông rất kiệm lời nhận xét, không ngợi ca cũng không phê phán nhưng người đọc vẫn thấy ở đó một thái độ rõ ràng, một niềm trăn trở khôn nguôi của tác giả.
Tại buổi tọa đàm, ông cho biết từ sự tò mò của mình về việc các vua chúa ngày xưa đối xử với triều thần ra sao, với con cái thế nào, ăn ngủ ra sao... Từ thực tế thu thập được, ông nhận ra điều quan trọng nhất đối với người làm vua, làm quan đại thần đã làm được gì cho đất nước này, dân tộc này? Nếu không, mọi thứ đều là phù vân mà thôi. Đó là điều ông muốn gửi gắm tới độc giả trong cuốn sách "Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn".
Như thế, với Nguyễn Ngọc Tiến, đọc lịch sử, viết về lịch sử không đơn thuần chỉ để biết về quá khứ, mà quan trọng hơn, là để biết cho hôm nay, biết trăn trở với cuộc đời và đất nước hôm nay.
Khách phong trần nặng tình núi sông
Đọc sách của Nguyễn Ngọc Tiến, điều thú vị là nó luôn mang phong vị của cả khảo cứu lẫn tùy bút, có cái khách quan của người làm báo, nhưng cũng có cả cái đa tình của người viết văn. Và như thế, trong trang sách của ông bao giờ cũng có dáng dấp của một con người đi và viết, một khách phong trần nặng tình núi sông.
Hai nhà văn có rất nhiều độc giả theo dõi |
Ông là khách phong trần, vì ông đi và lăn lộn với đời không hề ít. Có những ngày ông lang thang dọc sông Hồng tìm hiểu về các xóm chài và viết về cộng đồng người Đãn rất hiếm gặp. Lại có khi ông mải miết theo chân những nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu đi khắp các sân khấu Nam Bộ vì trót say mê tiếng hò sông Hậu, cũng nhờ thế mà ông có vốn tư liệu dày dặn để viết về một lịch sử chưa xa của ngành cải lương Việt Nam. Tha thiết được đi để trải đời của Nguyễn Ngọc Tiến là khi ông tìm mọi cách để được ngủ lại trong hoàng thành Huế, qua một đêm ở nơi từng là nhà của các vua thời Nguyễn.
Nguyễn Ngọc Tiến cũng là người nặng tình núi sông. Ông đi để viết về những vẻ đẹp phong tình quyến rũ của đất nước với những “mắm Nghệ, lòng giòn, rượu ngon, cơm trắng”. Ông cũng đi để viết nên nỗi đau thống khổ của dân nghèo kiệt quệ chạy dịch COVID-19 trong những ngày hè đỏ lửa.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ông gắn bó phần lớn cuộc đời mình với thành phố quê hương và có gần 30 năm làm phóng viên cho báo Hà Nội mới.Ông đã xuất bản nhiều sách, bao gồm tản văn, khảo cứu lẫn sáng tác văn học. Ông từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 2012. |