Thông qua bảo tàng, di tích: Người trẻ tìm về văn hóa, lịch sử Hà Nội
Khánh thành "công trình thanh niên chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử văn hóa" |
Thời gian vừa qua, các bảo tàng, triển lãm, khu di tích lịch sử tại Hà Nội đang dần “hot” trở lại, thu hút một lượng khác du lịch đông đảo đến thăm quan và tìm hiểu đặc biệt là vào cuối tuần. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số đối tượng là các bạn trẻ trong độ tuổi đang là học sinh, sinh viên.
Biết để hiểu và thêm yêu
Khi được hỏi lý do tại sao hứng thú và chọn những địa điểm như vậy là nơi dừng chân vào cuối tuần, bạn Đỗ Duy Anh (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mình lướt Tiktok, Facebook thì thấy rất nhiều bài viết, video clip review về các bảo tàng, khu di tích lịch sử có kiến trúc độc đáo, thông điệp truyền tải ý nghĩa.
Bản thân mình cũng rất tò mò, và mong muốn được đến tham quan tìm hiểu, chiêm ngưỡng những địa điểm đó. Thay vì cà phê bạn bè vào cuối tuần thỉnh thoảng mình cũng đổi gió đến những địa điểm như vậy, vừa biết thêm văn hóa nghệ thuật Việt Nam vừa có một nơi vui chơi giải trí”.
Nhiều người trẻ tham quan Bảo tàng Mỹ thuật |
Điều này chính là minh chứng cho thấy các phương tiện truyền thông đại chúng đặc biệt là mạng xã hội có ảnh hưởng đến các hành vi, hoạt động của giới trẻ. Do vậy, mỗi lần Facebook hay Tiktok, Instagram xuất hiện các bài review về một địa điểm bảo tàng lịch sử, triển lãm nổi tiếng, có kiến trúc độc đáo, nội dung, thông điệp ý nghĩa, giá rẻ thậm chí là miễn phí ra vào thì các bạn trẻ lại đổ xô, truyền tai nhau đến check-in, tìm hiểu...
Điển hình, khi dịch COVID-19 bớt căng thẳng, chỉ sau 3 tháng mở cửa trở lại đón khách tham quan, mỗi tháng Bảo tàng Hà Nội trung bình đón 12.000 đến 15.000 lượt khách. Hiện nay, Bảo tàng Hà Nội đang là điểm thu hút giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm.
Bảo tàng Hà Nội được nhắc tới trong hàng loạt các hội nhóm Facebook như một địa điểm không thể bỏ lỡ khi tới Thủ đô. Tính đến tháng 3/2023, lượng truy cập hashtag #baotanghanoi trên mạng xã hội Tiktok đã lên tới 12 triệu lượt.
Thường xuyên qua lại các bảo tàng, săn lùng tìm kiếm những triển lãm mới trên mạng thú vị, và là một người trẻ đam mê các giá trị văn hóa truyền thống nước nhà, Hoàng Anh (sinh viên năm 2, Đại học kiến trúc Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ: “Là một người được sinh ra trong gia đình quân đội, luôn được dạy dỗ phải tôn trọng các giá trị văn hóa, bởi nó được hình thành từ nếp sống, tập quán của ông cha ta bao đời nay.
Vì vậy, việc lui tới các bảo tàng như một cách mình tìm về những giá trị xưa cũ, tăng vốn kiến thức mà không phải đọc quá nhiều tài liệu sách vở khô khan. Từ việc hiểu, mình càng thấu rồi thêm yêu lịch sử văn hóa Việt Nam hơn”.
Hoàng Anh (sinh viên năm 2, Đại học Kiến trúc Hà Nội) |
Thông qua việc tham quan các bảo tàng, triển lãm giới trẻ đang dần ý thức được việc cần phải tiếp cận gần hơn những giá trị văn hóa, nghệ thuật của nước nhà một cách sâu sắc. Từ đó, họ dần dần nảy sinh suy nghĩ bảo tồn, lan tỏa những giá trị cốt lõi dân tộc.
Biến trào lưu thành thói quen
Tuy nhiên, việc tham quan các bảo tàng, triển lãm, khu di tích lịch sử vẫn còn là một “trào lưu, hot trend” của giới trẻ khi nhiều người đến đây với một tâm thế để check-in, sống ảo nhằm có ảnh đẹp mang về.
Một ví dụ thực tế thể hiện bước đi đúng đắn thu hút lượng khách trẻ đến thăm quan các địa điểm văn hóa, lịch sử chính là đội ngũ truyền thông của Di tích nhà tù Hỏa Lò. Những giai thoại, sự kiện, nhân vật lịch sử tưởng chừng như khô khan đã được đội ngũ truyền thông sáng tạo bằng nhiều hình thức thể hiện vừa giữ được nội dung cốt lõi, vừa bắt kịp xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội.
Các nội dung này nhắm vào trải nghiệm của khách tham quan từ chưa biết gì, đến tò mò, thú vị thông qua các chiến dịch ý nghĩa trên mạng xã hội. Từ đó, di tích Hỏa Lò thu hút bằng nội dung chất lượng với các tour đêm ý nghĩa, chạm đến trái tim như: “Đêm thiêng liêng 1 - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa", “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân”.
Hoạt cảnh tại Nhà tù Hoả Lò |
Đến nay, trang chủ “Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic” đã thu hút hơn 263.000 người theo dõi, nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, tương tác và chia sẻ mỗi ngày. Ngoài Facebook, ban quản lý của di tích còn chú trọng phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, Spotify… bằng những “chuyến du hành thời gian”.
Do đó, các đơn vị quản lý cần phải tận dụng triệt để sức nóng của trào lưu để quảng bá những địa điểm tham quan văn hóa phù hợp với từng đối tượng công chúng hơn, trong đó có người trẻ, thông qua việc: Sáng tạo cách thức trưng bày nội dung chiều sâu, đặc sắc; bố trí các không gian trải nghiệm, check-in và các dịch vụ tiện ích đầy đủ để thu hút khách đến với bảo tàng; Ứng dụng công nghệ vào việc vận hành bảo tàng, tập trung đào tạo đội ngũ thuyết minh có năng lực, có ngoại ngữ để đón tiếp khách tham quan…
Bên cạnh những hoạt động trưng bày, các bảo tàng, khu di tích Ths Nguyễn Thị Bích Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho rằng để tiếp cận đến những người trẻ, cần lưu ý xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trẻ trung; Xuất bản ấn phẩm, catalog; Kết nối với các kênh truyền thông xã hội; Xây dựng hệ thống các dịch vụ tiện ích phục vụ khách tham quan như nhà hàng, quán cafe, museum shop… đồng thời tăng cường liên kết với các tổ chức, cá nhân xã hội hóa các hoạt động, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên.
Một thói quen mới cần ít nhất 21 ngày để hình thành, vì vậy sẽ không quá khó khăn để biến “trào lưu” đang hot kia biến thành thói quen cho giới trẻ. Họ đến một lần để check-in sống ảo ấn tượng với không gian, cơ sở vật chất ở các bảo tàng, khu di tích lịch sử nhưng vẫn có thể quay lại vì tiếc nuối chưa kịp tìm hiểu những bảo vật, giá trị văn hóa tại nơi đây.