Thông tin chi tiết vụ nhân viên y tế tự tháo khớp chân để vào trong tủ
![]() |
Mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể, anh K. luôn cho rằng, chiếc chân trái của mình là thừa thãi nên lên kế hoạch để tự tháo bỏ chân. Trước khi thực hiện, K. đã nghiên cứu kỹ về cách tháo khớp để không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
![]() |
Chiếc chân trong ngăn tủ giường ngủ
Gần 20 giờ ngày 10/11, trực ban Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) tiếp nhận tin báo của nữ hộ lý Phạm Thị Chung (53 tuổi, hộ lý tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng) về việc anh P.D.K. (27 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) bị tháo khớp chân từ đầu gối trở xuống, nhưng không rõ nguyên nhân.
Thời điểm xảy ra vụ việc, anh K. đang ngủ tại bệnh viện. Anh này là nhân viên y tế, kỹ thuật viên thuộc Khoa Đông y của Bệnh viện quận Cái Răng.
Khi phát hiện chân trái của K. bị tháo rời, nữ hộ lý hốt hoảng và báo cho các đồng nghiệp công tác tại bệnh viện. Khi mọi người có mặt tại hiện trường, nơi K. nằm ngủ thì chân trái của người này đã đứt rời, chảy máu. Phần từ đầu gối xuống chân của K. không còn nữa.
Khi đó, K. nói là đang ngủ thì bị kẻ trộm vào... tháo khớp chân và không hay biết gì. Lúc nam nhân viên này tỉnh dậy, phát hiện chân trái bị mất nên hốt hoảng, lò dò bấm điện thoại báo cho đồng nghiệp đưa đi cấp cứu. Trong lúc kiểm tra căn phòng của K., nhiều người tá hoả phát hiện đoạn chi (từ đầu gối trở xuống của K.) nằm trong ngăn tủ của giường ngủ trong phòng.
K. được đưa đến Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu. Theo các bác sĩ, K. nhập viện trong tình trạng chân trái đứt lìa ngang gối, đã được sơ cứu cầm máu, bệnh nhân tỉnh táo.
Khi đó, các bác sĩ trực ghi nhận tình trạng chân của bệnh nhân có khả năng nối lại được nên trao đổi với bệnh nhân cùng người nhà để tiến hành phẫu thuật nối chân. Tuy nhiên, K. cương quyết không chịu nối chân nên gia đình đã ký cam kết và bệnh viện đành khâu lại mỏm cụt và không nối chi.
![]() |
Sau nhiều ngày điều tra, K. đã ổn định sức khỏe |
Căn bệnh kỳ lạ và kế hoạch không hoàn hảo!
Sau khi được các bác sĩ điều trị, K. đã tạm hồi phục sức khoẻ và trả lời các câu hỏi của cán bộ điều tra. Lời khai của K. đã khiến nhiều người bất ngờ, khó tin là sự thật. K. khai, từ nhỏ bản thân đã phát hiện mình mắc căn bệnh rất lạ, luôn muốn tự cắt lìa chân của mình.
Lớn lên, qua quá trình tìm hiểu, K. đinh ninh mình mắc phải chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể, thuộc một loại bệnh lý. Trong thời gian học tại Trường Cao đẳng Y tế, K. tự tìm hiểu và tìm cách tự chữa bệnh nhưng không có kết quả. K. giấu kín mọi người việc này.
Sau này lấy vợ, K. cũng không tiết lộ về căn bệnh đó với người bạn đời. Hiện tại K. sống cùng vợ tại quận Bình Thuỷ (TP. Cần Thơ) và có con trai 3 tuổi. Từ năm 2012, K. là kỹ thuật viên vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của Khoa Đông y thuộc Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, cho đến ngày xảy ra sự việc chấn động.
Qua điều tra cùng với lời khai của nam nhân viên này, cơ quan công an xác định đây là 1 vụ tự hủy hoại cơ thể. Các ngành chức năng đã trao đổi với các y bác sĩ, chuyên gia và bước đầu nhận định nam nhân viên này mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể, khiến người mắc bệnh muốn cắt chân tay của họ.
Cụ thể, trong thời gian làm việc, K. đã nghiên cứu về cách tháo khớp như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chiều 10/11, chờ đồng nghiệp tại bệnh viện ra về, K. tự chốt cửa phòng 091, rồi đi tắm rửa sạch sẽ.
K. đã chuẩn bị các sợi dây thun và dao chuyên dùng trong y tế (Doctor 100) rồi ngồi trên bồn cầu trong nhà vệ sinh, lấy dây thun buộc phần chân trái phía trên khớp gối của mình và tháo rời phần chân trái từ đầu gối trở xuống. Sau đó, K. dùng các băng gạc bó phần chân phía trên lại và rửa sạch phần chân trái phía dưới đã tháo rời ra ngoài.
![]() |
Chấn động, nam nhân viên y tế tự cắt đứt lìa chân. (Ảnh minh hoạ) |
Nhân viên này còn bình tĩnh dùng tay nặn hết phần máu bên trong để không sử dụng (nối lại) được nữa. Tiếp đó, K. buộc nối phần chân trái đã tháo rời ra với phần chân còn lại, với mục đích đi ra ngoài để tạo hiện trường giả như 1 vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, ý định này của K. đã không thực hiện được. Vì khi K. chuẩn bị đứng dậy, phần chi chân trái đã tháo rời bị rớt ra ngoài.
Chưa từ bỏ ý định, K. nhảy lò cò sang phòng đối diện lấy các dây đai của bệnh viện để tiếp tục buộc lại phần chân trái như trên nhưng không được. Đến lúc này, K. mới đành mang phần chân trái đã tháo rời ra cất giấu vào ngăn tủ đầu giường.
Sau đó, K. sang phòng 092 cạnh bên, dùng điện thoại bàn nội bộ trong bệnh viện gọi cho căng tin báo tin giả là mình ngủ say trong phòng thì bị ai đó vào tháo khớp gối nhưng không biết gì để mọi người đưa đi cấp cứu.
Trong quá trình khám nghiệm, cơ quan công an đã thu giữ các dấu vết, tang vật có liên quan dưới sự chứng kiến của đại diện Viện KSND. Kết quả khám nghiệm phù hợp với lời khai của K. Việc tự tháo khớp do K. thực hiện một mình không có sự hỗ trợ của bất kỳ ai.
Nhân viên y tế có ngáo đá hay không?
Theo Công an TP. Cần Thơ, khi theo học tại Trường Cao đẳng Y tế, K. đã bắt đầu tự tìm hiểu về căn bệnh của mình trên mạng internet. Tuy nhiên, K. không thể tìm ra được cách chữa trị, bởi cách duy nhất là phải loại bỏ phần nhận dạng não bộ được xem là phần dư thừa (K. nghĩ phần dư thừa của mình là phần chân trái từ khớp gối trở xuống).
Cũng theo Cơ quan Điều tra Công an TP. Cần Thơ, quá trình xác minh, K. mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể, có biểu hiện giống như bị ngáo đá (chứ không phải ngáo đá do nghi vấn sử dụng ma tuý - PV). Do xác định đây là bệnh lý dạng rối loạn tâm thần, không phải là vụ án gây ra bởi người khác, nên công an không điều tra thêm.
![]() |
Trả lời trên báo chí, bác sĩ Thiều Quang Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, cho biết, bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể là một thể của rối loạn tâm thần nhưng dạng này khá hiếm gặp.
Người bệnh thường cho rằng một bộ phận cơ thể nào đó của mình quá dài, dư ra, hay xấu xí…“Trước đây chúng tôi cũng gặp một ít ca nhưng ở tuổi thiếu niên là nhiều, lâu lâu bệnh nhân có những câu nói than phiền về một bộ phận trên người mình”, bác sĩ Hùng cho hay.
Bác sĩ Trần Tuấn Khương, Chuyên Khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) thì cho biết, bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể không phải hiếm gặp. Đâylà bệnh liên quan đến thần kinh chức năng, chứ không phải thần kinh thực thể.Bệnh xuất hiện khi 1 người chịu nhiều yếu tố tác động như: áp lực đám đông, áp lực công việc, trạng thái thần kinh không vững… ảnh hưởng đến tâm lý.
Căn bệnh này thường gặp ở lứa tuổi từ 15 đến 40 tuổi và ngày càng phổ biến. Nhất là ở lứa tuổi 14 đến 15, giai đoạn này các em có những biến chuyển lớn về thể chất và tâm lý. Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh này. Phòng cấp cứu của bệnh viện, mỗi ca trực có khoảng 2 trường hợp. Người bệnh vào đây thường giả liệt, giả co giật hay giả những bệnh khác.
Theo bác sĩ Khương, ngoài việc người bệnh muốn cắt bỏ cơ thể của mình, người bệnh cũng muốn tự vẫn. Thậm chí, họ cũng bị ám ảnh muốn cắt chi người bên cạnh. Nhưng đa số các bệnh nhân bị bệnh này thường chỉ dừng lại ở việc ảo tưởng, ảo giác là chi của họ thừa thãi mà thôi chứ rất hiếm người tự cắt chi.
Trường hợp bệnh nhân tại Cần Thơ tự cắt chân mình, bác sĩ Khương cho rằng cần phải làm các xét nghiệm xem bệnh nhân có sử dụng chất kích thích dẫn đến kích động, ảo tưởng nặng hay không, chứ thực ra bệnh này chỉ gây nên ám ảnh cơ thể dư thừa, chứ không đến nỗi tự cắt tay chân mình.
Cũng theo bác sĩ Khương, bệnh này nguy hiểm ở chỗ bệnh ít có biểu hiện lâm sàng, trong khi người bệnh liên tục bị những ám ảnh thừa thãi, chán ghét các bộ phận trên cơ thể và ngày càng stress nặng.
Thế nên, khi những ám ảnh về các bộ phận cơ thể xuất hiện, người bệnh cần phải tự cứu mình bằng cách đến gặp bác sĩ tâm lý, chuyên gia y tế… để được tư vấn, điều trị, giải tỏa tâm lý sớm. Tránh tình trạng tâm lý bị đè nén dẫn đến những ám ảnh nặng nề gây tổn hại đến bản thân và người xung quanh.
Theo văn y thế giới, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tự cho rằng có nhiều bộ phận trên cơ thể mình là vô dụng và cắt bỏ (nhiều nhất là các chi). Nhà khoa học thần kinh người Mỹ Vilayanur Ramachandran gần đây đã khám phá ra nguyên nhân của chứng bệnh này là: bản đồ hình ảnh về cơ thể trong não của những người mắc bệnh bị thiếu mất một phần nào đó.
Bệnh được ví như một chứng rối loạn nhận dạng giới tính và cũng có thể là sự rối loạn tâm thần. Người mắc bệnh vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, nhưng do áp lực công việc, gia đình... gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh khiến họ bị stress, trầm cảm dẫn đến không tự tin về chính mình.
Hiện tại bệnh này không có phương pháp điều trị. Khi phát hiện bệnh nhân đã tự ý cắt bộ phận trên cơ thể mình, người phát hiện nên đưa ngay bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Thời gian “vàng” để nối lại các bộ phận bị cắt rời cơ thể là 6 tiếng.
Đối với trường hợp của anh K., bác sĩ Võ Cánh Sinh, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP. Cần Thơ cho rằng, đây là một trường hợp lớn, một căn bệnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không chỉ dừng lại ở 1 bệnh nhân.
![]() |
Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình nơi K. điều trị |
“Nhận lời mời của Bệnh viện Đa khoa Trung ương, phía Bệnh viện Tâm thần và bộ môn sẽ tổ chức tiếp xúc để hội chẩn về trường hợp của anh K. Sau khi được hội chẩn rõ ràng, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí để giúp người dân hiểu rõ hơn về chứng bệnh lạ này”, ông Sinh nói.
Đẹp trai, đàn hát hay, vẽ giỏi, là niềm tự hào của gia đình
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến việc K. tự tháo khớp gối đã được lý giải là do bệnh lý, không phải sử dụng ma túy đá gây ảo giác như một số nguồn tin trước đó. Tuy nhiên, sau khi thông tin của vụ việc bùng nổ trên truyền thông và mạng xã hội, nhiều cư dân mạng vẫn không tiếc lời lên án bệnh nhân này.
Những đồng nghiệp của K. ở Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng rất bức xúc khi trao đổi với PV. Họ cho rằng, dư luận xã hội đã không công bằng với 1 người mang bệnh như K.
“Chứng bệnh này đúng là lạ nhưng thế giới, lịch sử y học đã ghi nhận nhiều trường hợp. Nếu mọi người tìm hiểu rõ về bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể thì sẽ phần nào hiểu K. đã phải khổ sở như thế nào.
Chúng tôi làm việc với K. hơn 4 năm qua, K. luôn là 1 đồng nghiệp tận tụy trong công việc, được bệnh nhân yêu quý. K. có một lối sống sạch, yêu đời, thích đàn hát, và hòa nhã với mọi người”, chị Nguyễn Hoàng Triệu, đồng nghiệp của K. nói.
Tiếp xúc với gia đình của K. ở quê nhà (xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), được biết K. là 1 người “không chê vào đâu được”.“K. đẹp trai, trắng trẻo, lại biết đàn, biết hát. Nhất là nó vẽ rất giỏi, có khiếu nghệ thuật lắm. Nó là niềm tự hào của gia đình”, người cô ruột của K. chia sẻ.
Tuy sống xa gia đình nhưng hễ cuối tuần là K. lại cùng vợ con lại về nhà thăm cha mẹ. Điều mà người thân của thanh niên này xót xa nhất là đã không biết gì về bệnh tình của K. để có biện pháp giúp đỡ sớm hơn.
Theo nguồn tin riêng của PV, hiện sức khỏe của K. diễn biến rất tốt, quan trọng nhất là tinh thần của K. rất thoải mái. K. cũng cho biết sau này sẽ lắp chân giả và đã chuẩn bị kỹ cho tương lai. Gia đình của K. hiện thay nhau túc trực, chăm sóc và luôn bên cạnh anh. Nhất là người vợ của K. không hề có thái độ gì mà còn yêu thương, chăm sóc chồng hơn trước.
Ông Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng đã xác nhận với PV là kết quả xét nghiệm của K. âm tính với các loại ma túy. Ông nhận xét, trong thời gian công tác tại bệnh viện, K. luôn hoàn thành nhiệm vụ và hòa đồng với đồng nghiệp.
“Đây là trường hợp trước giờ chưa xảy ra tại Bệnh viện Cái Răng. Chờ khi sức khỏe của K. bình phục chúng tôi sẽ xin ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế thành phố để có hướng xử lý”, ông Thắng nói.
Nhóm PV TT & ĐS
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Làng chài miền Tây giữa đại ngàn Tây Nguyên

Bài 5: Điểm tựa tâm linh trên đảo tiền tiêu

Bài 4: Sức sống xanh giữa mặn mòi biển cả

Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

Hương Tết "làng" chổi đót

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại
