Thủ lĩnh Đoàn xây dựng thương hiệu “đậu làng Chài”
Anh Phan Văn Đạt, hiện nay đang là Bí thư Đoàn xã Võng La, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. sau khi Võng La được TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống vào tháng 1/2019, anh đã đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Võng La với 7 thành viên sản xuất và kinh doanh đậu phụ.
“Địa phương vốn là làng nghề làm đậu phụ lâu đời nhưng chưa được công nhận. Đến tháng 1/2019, làng nghề đậu phụ làng chài là làng nghề truyền thống. Lúc đó, chúng tôi thực sự vinh dự và tự hào khi làng mình trở thành làng nghề có tên tuổi.
Từ đó, tôi đã cùng với một số đoàn viên, thanh niên tại địa phương thành lập Hợp tác xã với mục đích ban đầu là tiếp tục gìn giữ văn hóa làng nghề xưa. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng đến phát triển kinh tế từ đúng sản phẩm của quê hương mình”, anh Phan Văn Đạt, Bí thư Đoàn xã, Giám đốc HTX thanh niên Võng La cho biết.
Từ ước mơ thành hành động
Phương pháp làm của anh Đạt cùng HTX là kết hợp khoa học kỹ thuật hiện đại với các kinh nghiệm cổ truyền để giảm sức lao động của con người, sản xuất các sản phẩm sạch, chất lượng.
Khi mới xây dựng sản phẩm, thương hiệu “Đậu làng Chài” vẫn chưa được nhiều người biết đến bởi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhưng khi tham gia vào Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm và được sự giúp đỡ của các đơn vị chức năng, sản phẩm Đậu làng Chài đã nhận được giấy chứng nhận OCOP 3 sao. Anh Đạt cho biết, sau khi tham gia OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, nhiều cơ quan, đơn vị đã đến đặt hàng, ký hợp đồng tiêu thụ đầu ra với số lượng lớn
Sản phẩm đậu phụ sạch của HTX thanh niên Võng La |
Khởi nghiệp khi đang giữ cương vị Phó Bí thư Đoàn xã Võng La, bản thân đã có kinh nghiệm làm đậu phụ khi gia đình đã làm nghề lâu năm với phương pháp thủ công 100%, anh Đạt kể lại: “Bản thân mình đã phải tìm tòi khoa học, kỹ thuật máy móc nhưng cũng đồng thời giữ lại những bí quyết của phương pháp truyền thống như pha nước chua hay những kỹ thuật mà chỉ có người trong nghề lâu năm mới nắm được”.
Gần 1 tỷ đồng được đầu tư để xây dựng nhà xưởng, máy móc, xe cộ giao hàng, đến nay cơ sở đã đảm bảo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên. Bên cạnh đó, HTX thanh niên Võng La còn ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu vào, đầu ra cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong làng để cung cấp đậu phụ làng Chài ra thị trường với số lượng lớn.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức...
Chia sẻ về quãng thời gian bắt đầu xây dựng thương hiệu làng nghề xưa, anh Đạt tâm sự: “Ban đầu mới thành lập HTX, mọi thứ với tôi còn rất bề bộn, sắp xếp thời gian chưa được khoa học khi đêm vừa phải làm đậu phụ, ngày lại tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, những mẻ đậu đầu tiên áp dụng phương pháp mới không tránh khỏi bị hỏng, bị chua, bị khách hàng trả về. Thời gian nửa năm đầu khởi nghiệp, từ 6 giờ tối, anh em đã phải có mặt tại xưởng. Làm đến 3 giờ sáng, khi có những mẻ đậu thành công, cả nhóm lại chạy xe máy đi giao, đi chào hàng. 6 giờ sáng, mình lại chuẩn bị lên cơ quan làm, tham gia các công tác xã hội khác.
HTX thanh niên Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội |
"Ngày đầu cả nhóm chở hàng bằng xe máy, đóng thành từng chuyến hàng. Từng nhân sự cứ từng chuyến một chở đến các điểm giao. Có hôm đang đi, hộp rơi, đến nơi, đậu vỡ... Thực sự mình cũng rất mệt mỏi, cũng rất áp lực nhưng vì sự quyết tâm lớn của cả nhóm, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, chúng tôi đoàn kết một lòng, kiên trì vượt qua khó khăn
Sau một thời gian, khi mọi hoạt động vận hành sản xuất, quản lý đã vào guồng quay, mọi thứ mới ổn định. Đến hiện tại HTX đã đảm bảo doanh thu, tạo cuộc sống ổn định cho nhân lực thanh niên cũng như bà con tại địa phương", anh Đạt thông tin.
Anh Phan Văn Đạt là một trong 57 nhà nông trẻ được tuyên dương và trao giải thưởng Lương Định Của. |
Anh Đạt cho biết, đầu ra của sản phẩm là các bếp ăn trong trường học, bếp ăn công nghiệp. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh nghỉ học, trường học đóng cửa, lúc này anh Đạt lại loay hoay tìm hướng đi mới cho cơ sở. “Khi nguồn cung đến các trường học phải tạm dừng. “Cái khó ló cái khôn”, chúng tôi phải tìm hiểu thêm các nguồn ra khác như các bếp ăn công nghiệp tại các khu công nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, bếp ăn nấu cho các khu cách ly để duy trì sản xuất, vượt qua dịch bệnh”.
Đã 2 năm kể từ ngày khởi nghiệp, dự án xây dựng thương hiệu Đậu phụ làng Chài giờ đây đã cho những thành công nhất định.
Đồng chí Lê Thế Chuyên, Bí thư Huyện đoàn Đông Anh cho biết: “Đồng chí Phan Văn Đạt là Bí thư Đoàn xã tiêu biểu, dám nghĩ, biết làm, là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên noi theo trong việc vừa tham gia công tác Đoàn vừa phát triển kinh tế tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, với cương vị là Bí thư Đoàn xã Võng La, Đạt đã tạo động lực, truyền cảm hứng thúc đẩy mỗi cá nhân đoàn viên, thanh niên không ngừng phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống, nhất là lĩnh vực giải quyết việc làm, phát triển kinh tế".
Anh Phan Văn Đạt nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVI, năm 2021 |
Ngày 24/12, anh Phan Văn Đạt đã cùng 57 gương mặt thanh niên tiêu biểu trên cả nước, vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của. Điều đó đã cho thấy những ghi nhận của xã hội và cộng đồng dành cho người con luôn đau đáu nỗi niềm phát triển kinh tế từ nội lực quê hương.
Khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc |
Đa dạng học bổng dành cho khối ngành STEM tại Đại học RMIT |
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác điều trị, giảm ca tử vong do COVID-19 |
Generali được vinh danh “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021” |
Khi những người trẻ bùng nổ trong đổi mới và sáng tạo... |