Thu phí rác thải theo khối lượng đem lại nhiều điểm lợi
Thông tin tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề xuất đổi mới chính sách thu tiền rác thải sinh hoạt từ bình quân đầu người sang khối lượng, thể tích.
Đề xuất trên đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi, trong số đó nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất của dự thảo Luật Môi trường sửa đổi, những nhà hàng, cửa hàng ăn uống phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt sẽ phải nộp phí cao hơn so với các hộ gia đình nhằm đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, có không ít ý kiến băn khoăn là làm thế nào để tính được khối lượng rác.
Chia sẻ rõ hơn về đề xuất này, bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết để đơn giản, không phải là chi ly cân nặng từng lần lấy rác, mà Bộ đề xuất là thiết kế túi đựng rác theo từng dung tích. Thu tiền phí xử lý rác thải theo kích cỡ túi nhưng đây chỉ là dự kiến và sẽ triển khai ở từng địa phương chứ không đưa vào luật.
Ngoài ra lộ trình thực hiện ra sao, khả thi thế nào thì ngoài quan điểm, chủ trương của Trung ương, thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật, còn tùy thuộc nhiều vào chính quyền địa phương và người dân. Chính sách của Trung ương và chính quyền địa phương là nhằm tác động vào nhận thức, hành vi của người dân. Từ đó, tạo ra những thay đổi về hành vi của họ theo hướng khoa học hơn, mà trường hợp cụ thể này là xử lý rác thải sinh hoạt.
Về phía chính quyền các cấp, phải có chính sách thu hút đầu tư theo hướng đảm bảo tính đồng bộ từ phân loại, vận chuyển đến lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với từng loại rác thải. Bộ trưởng cho rằng với đề xuất của Chính phủ thể hiện trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, chỉ một điều chỉnh nhỏ từ thu tiền theo đầu người xả thải sang thu tiền theo lượng rác xả thải sẽ tạo ra chuyển biến tích cực từ người dân.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng có thể người dân đang hiểu lầm về đề xuất thu phí xả rác theo khối lượng của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Khối lượng ở đây liên quan đến lượng rác thải chứ không phải khối lượng là cân, đong… do hiểu làm đó, mặc dù nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình sẵn sàng trả tiền thu gom, vận chuyển rác của mình nhưng họ rất băn khoăn, làm sao để có thể cân được lượng rác thải họ xả ra môi trường là bao nhiêu cân.
Theo TS Tùng, có nhiều cách để chúng ta có thể thực hiện được nhưng chắc chăn không đùng đến cân để đo khối lượng rác vì cân không khả thi. Một trong những cách mà nước khác đã làm ví dụ như Hàn Quốc tính theo thể tích, người dân sẽ dùng chung một cái túi đựng rác sẽ có các loại túi với các kích thước khác nhau, người dân sẽ phải mua để đựng rác, kích cỡ túi càng to càng phải trả nhiều tiền.
Cách làm đó vẫn có thể có sự sai lệch nhưng vẫn chấp nhận được bởi họ đã nghiên cứu thể tích đó khoảng bao nhiêu lạng, bao nhiêu cân để tính ra tiền của túi, người dân cũng biết rõ được số tiền mình phải trả.
TS Tùng phân tích thêm, hiện nay người dân phải trả tiền xả rác, ở Hà Nội chỉ phải trả 6.000 đồng/người/tháng tiền thu gom rác, số tiền đó là quá ít. Do đó ông cho rằng nên có phương án phải trả tiền theo lượng rác thải ra, cách này để người dân có trách nhiệm với rác thải của mình, phải trả tiền cho việc thu gom, xử lý rác.
Chính quyền các nơi sẽ tùy theo từng địa phương để đưa ra những phương pháp, mức giá phù hợp, đồng thời cần có lộ trình tuyên truyền để người dân hiểu rõ, tuân thủ theo, mặt khác khi đã thu phí thì tiền được sử dụng như thế nào, cần phải công khai minh bạch”, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chia sẻ.