Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng hoa công nghệ cao
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nên mỗi năm hợp tác xã (HTX) Đan Hoài (huyện Đan Phượng, Hà Nội) sản xuất trung bình khoảng 500.000 cây hoa hồ điệp các loại
Bài liên quan
Hà Nội: Đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
Cần xem xét, đánh giá lại Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới
Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng NTM diễn ra tại Nam Định
Chăn nuôi sinh học – hướng đi mới của ngành nông nghiệp Thủ đô
Công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc
Tận dụng lợi thế từ thiên nhiên
Hợp tác xã Đan Hoài được thành lập từ năm 2002, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ban đầu HTX chủ yếu chăn nuôi lợn và trồng một số loại rau màu nên hầu như chỉ làm thủ công, không áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn HTX Đan Hoài là đơn vị triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp”. Từ đó, HTX đã tìm hiểu, ứng dụng công nghệ cao trong khâu trồng và chăm sóc hoa.
Nhờ đó, HTX đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa hàng loạt đối với lan Hồ Điệp trong nhà kính và hoa ly trên đồng ruộng. Hiện tại, HTX Đan Hoài đã có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại chủ động sản xuất theo quy mô và phương thức công nghiệp đạt chất lượng cao.
Bà Bùi Thị Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài cho biết: "Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, chúng tôi quyết định đầu tư vào sản xuất hoa chất lượng cao tại Hà Nội. Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi đã hợp tác với một số viện khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp trong nước như: Viện nghiên cứu rau quả, Di truyền nông nghiệp, Nghiên cứu miền núi phía Bắc... để học hỏi và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lan Hồ Điệp. Đây là loại hoa lan có vẻ đẹp độc đáo, màu sắc đa dạng và bền lâu. Những năm qua, hoa lan Hồ Điệp được tiêu thụ rất mạnh ở Việt Nam. Tính riêng năm 2018, số lượng lan Hồ Điệp tiêu thụ tại thị trường các tỉnh phía Bắc lên tới 640 vạn cây, trong đó khoảng 40% số lượng trên được sản xuất tại Việt Nam và 60% được nhập từ Đài Loan (Trung Quốc)…", bà Bùi Thị Hường Bích cho biết.
Hiện tại, HTX Đan Hoài đã có cơ sở vật chất hiện đại với 20.000 m2 nhà lưới công nghệ cao, sản xuất trung bình mỗi năm khoảng 800.000 cây hoa hồ điệp các loại |
Từ những thành công bước đầu khi thực hiện dự án, cùng kinh nghiệm lâu năm về hoa Lan hồ điệp, sự quan tâm, khuyến khích, chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương, Thành phố Hà Nội và huyện Đan Phượng về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX Đan Hoài đang tiến hành triển khai dự án sản xuất thử nghiệm cấp thành phố “Thiết kế, chế tạo, hệ thống thiết bị đồng bộ tạo môi trường phù hợp cho Lan hồ điệp ra hoa theo ý muốn, chất lượng, hiệu quả cao theo quy mô công nghiệp năm 2016 -2018”.
“Về công nghệ nhà lưới, chúng tôi đã có thể tư vấn, thiết kế, thi công các loại nhà lưới, nhà kính phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng đối tượng. HTX đã xây dựng thành công thương hiệu riêng “Flora Việt Nam” được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền. Qua đó tạo điều kiện chiếm lĩnh thị trường, làm tốt hơn khâu tiêu thụ”, bà Bùi Thị Hường Bích nhấn mạnh.
Làm chủ được khoa học công nghệ
Bên cạnh việc đầu tư sản xuất hoa chất lượng cao, hàng năm, HTX đã giới thiệu và chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, các đơn vị trong và ngoài thành phố Hà Nội, đưa ra thị trường hàng chục vạn cây giống lan Hồ Điệp chất lượng cao. Từ bước đi đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất hoa cao cấp, qua 13 năm chuyển giao, thử nghiệm công nghệ cả trong và ngoài nước, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học tới nay HTX Đan Hoài đã tự tin làm chủ được công nghệ sản xuất hoa cao cấp trong điều kiện khí hậu Miền Bắc.
Hiện nay, HTX Đan Hoài đã có cơ sở vật chất hiện đại với 20.000 m2 nhà lưới công nghệ cao, sản xuất trung bình khoảng 800.000 cây hoa hồ điệp các loại, cho doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm. Điều này giúp HTX kiểm soát được quy trình sản xuất mà không phu thuộc vào bất cứ ngoại cảnh nào.
Cùng với đó, HTX cũng đầu tư hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa tại chỗ trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt sau thu hoạch. Nhờ sự đầu tư bài bản, những năm qua, HTX Đan Hoài sản xuất trung bình khoảng 500.000 cây hoa hồ điệp các loại, với doanh thu từ 4-5 tỷ đồng/ năm. Trừ chi phí sản xuất, HTX thu lãi hàng chục triệu đồng, góp phần vào phát triển kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, HTX giải quyết việc làm cho trên 35 lao động thường xuyên và lao động thời vụ (đợt cao điểm là 100 lao động) với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/ tháng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, HTX Đan Hoài đang từng bước xây dựng thương hiệu hoa lan Hồ Điệp vững mạnh, tạo sức cạnh tranh ngày một lớn trên thị trường hoa trong và ngoài nước. Quan trọng hơn, thành công của HTX Đan Hoài đã khẳng định hiệu quả mô hình HTX kiểu mới, góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện Đan Phượng.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ nhà lưới hiện đại trong việc nuôi trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa theo ý muốn, HTX Đan Hoài luôn đi đầu trong việc cung ứng các sản phẩm hoa lan Hồ Điệp chất lượng cao, giá thành hợp lý đến tay người tiêu dùng trong cả nước. Không những vậy, HTX Đan Hoài còn đầu tư hệ thống làm lạnh, xử lý ra hoa tại chỗ, chủ động được nhiệt độ, ánh sáng, tạo điều kiện tốt nhất cho hoa phát triển.
Dù gặt hái được những thành công với mô hình trồng hoa Lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao, song HTX vẫn còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng vùng sản xuất hạn chế, khả năng tài chính hạn hẹp, ứng dụng công nghệ chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học.
Do vậy, trong thời gian tới, Hợp tác xã Đan Hoài quyết tâm phát triển không ngừng, hòa chung mục tiêu phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của thành phố: bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên. Cùng với đó, HTX sẽ chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố.
Tuy nhiên, để làm được những dự định nêu trên, Nhà nước cần có những chính sách và sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa đến những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như HTX Đan Hoài, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương