Thủ tướng: Xây dựng Chính phủ điện tử, an toàn phải đặt lên hàng đầu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Bài liên quan
Thủ tướng: Xuất hiện "điểm đen" ngay tại cơ quan sát hạch lái xe
Bổ nhiệm nữ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Phải xây dựng được mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, đây là công việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết.
Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó, đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17, bước đầu đạt kết quả.
Thủ tướng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 17, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai nói chung cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, tổ chức bộ máy để thực hiện nói riêng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng Chính phủ điện tử cần đặt lên hàng đầu.
Những tháng cuối năm nay, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, tỉnh, thành tập trung triển khai kết nối liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28 của Chính phủ; xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành; cơ sở dữ liệu quốc gia; cổng dịch vụ công; hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp bộ, cấp tỉnh; cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo danh mục Thủ tướng Chính phủ đã ban hành; khả năng sẵn sàng kết nối chia sẻ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo báo cáo của Tổ Công tác (thuộc Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử), ngay từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, xác định năm nay là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng Chính phủ điện tử. Tháng 3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.
Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ TP.Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ.
Cùng với việc ban hành thể chế, việc xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử cũng được thực hiện. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác nghiên cứu xây dựng dự thảo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 và giữa tháng 6 vừa rồi đã trình Khung lên Thủ tướng Chính phủ…
Việc xây dựng các hệ thống Chính phủ điện tử đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng đã được thực hiện. Trong đó, đã triển khai gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (từ giữa tháng 3 đến khoảng giữa tháng 7 này, đã có trên 68.200 văn bản gửi và 203.500 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia); thiết lập Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và thiết lập Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được triển khai như xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Ngoài ra, tính đến quý 2/2019, các địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổ công tác cũng cho rằng, một số nội dung triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo, còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế.
Mặc dù công tác gửi, nhận văn bản điện tử đã được triển khai rộng khắp nhưng việc đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử chưa được đồng bộ; thể thức, hình thức chữ ký số văn bản của các bộ, ngành và địa phương chưa thống nhất. Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương chưa đảm bảo chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí.