Thực hành ESG - xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Vật liệu xây dựng thực hành ESG để phát triển bền vững Ngân hàng phát triển bền vững trên nền tảng quản trị rủi ro vững chắc Nguồn vốn Agribank giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững |
Nâng cao nhận thức về ESG và tài chính bền vững
Trong những năm qua, chỉ số ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị doanh nghiệp) đã trở thành công cụ quan trọng đánh giá mức độ trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Do vậy, hội thảo "Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững" là một phần trong chuỗi hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về ESG và tài chính bền vững cho các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng ESG vào trong hoạt động kinh doanh.
Nhà báo Nguyễn Viết Việt, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phát biểu khai mạc |
Hội thảo cung cấp kiến thức và hành lang pháp lý thực hành ESG - hướng tới việc phát triển khu công nghiệp xanh - nhà máy xanh, nhằm nâng cao vị thế của từng khu công nghiệp, từng doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp thông qua việc hướng tới thực hành bộ tiêu chí ESG để phát bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề nóng, thiết thực và quan trọng mà VIREA sẽ chú trọng, đồng hành cùng hội viên trong thời gian tới.
Lễ ký kết hợp tác giữa Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam và VIREA |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Viết Việt, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội cả thế giới.
Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, việc phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hiện nay, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và quản trị doanh nghiệp yếu kém đòi hỏi phải có sự chuyển đổi nhanh chóng để phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, chỉ số ESG đã trở thành công cụ quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm của một doanh nghiệp.
Dẫn số liệu từ nhiều báo cáo uy tín gần đây, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho rằng, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững và bộ tiêu chuẩn ESG, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, dẫn đến kết quả thực hành ESG chưa cao.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Thực trạng hiện nay tại Việt Nam cho thấy việc tiên phong áp dụng ESG diễn ra hầu hết là doanh nghiệp lớn như FDI, doanh nghiệp đại chúng, các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu… Trong khi chỉ có 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chủ động triển khai ESG và 21% không cân nhắc triển khai ESG trong 2 - 4 năm tới.
Do nhu cầu tất yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như EU... cũng rất quan tâm, mong muốn áp dụng thực hành ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, ESG không còn là “sân chơi” dành riêng cho những doanh nghiệp lớn mà đang dần trở thành mục tiêu hướng tới dành cho tất cả đơn vị kinh doanh.
Tại hội thảo, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) cho biết, hiện nay cả nước có 428 khu công nghiệp (KCN) được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó có 4 khu chế xuất) với tổng diện tích gần 128.684ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208ha.
Đại biểu dự hội thảo |
Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, Intel, Sumitomo, Foxconn, LG, Hyosung, Canon, Robert Bosch, Lego… đã đến đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế: Chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn; vướng giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng bên ngoài KCN chưa đảm bảo, đồng bộ; loại hình phát triển chậm được đổi mới theo hướng KCN "xanh" hướng tới bền vững; phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội...
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Minh Châu, Phó Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, BIDV hiện là ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản kết thúc năm 2023 đạt 2,3 triệu tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt 2,1 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 2,19 triệu tỷ đồng; đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.
Bà Phạm Minh Châu, Phó Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam |
“Dư nợ tín dụng theo 12 ngành xanh của BIDV luôn đứng đầu thị trường và ngày càng tăng quy mô. Tại thời điểm ngày 30/6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 75.459 tỷ đồng chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng của BIDV, tăng 1.282 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2023.
Số lượng khách hàng nhận được tài trợ tín dụng xanh là 1.739 khách với 2.117 dự án/phương án xanh. Danh mục tài chính xanh của BIDV đa dạng với các sản phẩm: Tín dụng xanh (Dệt may xanh, Công trình xanh, các lĩnh vực xanh theo phân loại của NHNN, cho vay phát triển cây trồng...), Trái phiếu xanh, Tiền gửi xanh, Tài trợ thương mại xanh.
Các sản phẩm đều được xây dựng dựa trên các Khung khoản vay bền vững, Khung trái phiếu Xanh, Khung ESMS trong hoạt động tài trợ thương mại do BIDV ban hành. Đây là các khung tiêu chuẩn được BIDV xây dựng dựa trên các chuẩn mực quốc tế, đồng thời phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn tại Việt Nam”, bà Phạm Minh Châu cho biết .
Các diễn giả giải đáp các câu hỏi về ESG tại hội thảo |
ESG - xu thế tất yếu cho phát triển bền vững
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết: Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm môi trường và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Các KCN dù đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang hướng tới xây dựng các KCN xanh, bắt đầu từ mô hình KCN sinh thái như đã quy định trong pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp trong KCN phải nâng cao năng lực, đặc biệt là trong việc đo lường và báo cáo lượng khí nhà kính thải ra. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu rõ tình hình hiện tại và xây dựng kế hoạch giảm phát thải một cách hiệu quả, góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
“Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang KCN xanh, chúng ta cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như phát triển giao thông công cộng và giao thông thông minh; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, quản lý tài nguyên nước hiệu quả và bảo vệ nguồn nước; đồng thời xử lý chất thải hiệu quả và giảm thiểu lượng chất thải.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này”, ông Nguyễn Võ Trường An nhận định.
Tại hội thảo, Ths Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam trình bày tổng quan về ESG thế giới và bối cảnh Việt Nam. Qua đó cho thấy, Việt Nam đang ở phía sau khá xa so với thế giới và khu vực trong việc thực hiện ESG. Ông cũng nêu các giải pháp để vượt qua cạm bẫy để không thuộc nhóm “tẩy xanh” - thực trạng khá phổ biến hiện nay.
Ths Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam |
Nhiều khảo sát cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Cụ thể, Báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của UOB đã thực hiện khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp ASEAN và Trung Quốc cho thấy 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững.
Không dừng lại ở đó, mặc dù gặp nhiều rào cản và ESG mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã dần cam kết và thực hiện ESG. Cũng trong báo cáo của UOB, Việt Nam cùng với Thái Lan được đánh giá là 2 quốc gia dẫn đầu về áp dụng tính bền vững, với 51% đã bắt đầu thực hành các hoạt động bền vững.
Trong Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PwC với sự tham gia của 234 doanh nghiệp tại Việt Nam từ năm 2022, có đến 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG, 36% đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2 - 4 năm tới.
Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc kỹ Thuật về ESG của Công ty Tư vấn và đào tạo SMP |
Trình bày tham luận tại hội thảo, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc kỹ Thuật về ESG của Công ty Tư vấn và đào tạo SMP đã hệ thống khá chi tiết hành lang pháp lý tại Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp chủ động thực hành ESG.
Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn đề cập về các mặt sáng của báo cáo ESG, gồm thúc đẩy tiêu chuẩn ESG; tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình; tạo ra cơ hội kinh doanh mới.
Ở chiều ngược lại, các ‘mặt tối’ cũng được nhận diện, gồm những góc khuất trong kiểm kê khí nhà kính, trong báo cáo lộ trình NetZero hay trong báo cáo ESG tổng thể.
Ông Tuấn cho biết thêm, Việt Nam đã có những cam kết quan trọng về việc ứng phó với biến đổi khí hậu như: Năm 2030 sẽ giảm phát thải khí nhà kính từ 9% (thông qua các nguồn lực trong nước) đến 27% (với sự hỗ trợ của quốc tế); chấm dứt nạn phá rừng vào 2030; loại bỏ dần nhiệt điện than vào 2024; đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào 2050.
Thuật ngữ ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị doanh nghiệp) xuất hiện từ năm 2004 ở lĩnh vực tài chính khi Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc đưa ra với mong muốn áp dụng môi trường, xã hội và quản trị vào các lĩnh vực phân tích, quản lý tài sản và môi giới chứng khoán; sau đó, dần phổ biến ở các lĩnh vực khác. |