Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PCI
Đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022
Báo cáo kết quả công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023 của thành phố Hà Nội, đại diện Sở Nội vụ cho biết, công tác CCHC đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy, thành phố đã hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức). Đến tháng 6/2023, thành phố đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022.
Bộ phận “một cửa” của UBND quận Hoàn Kiếm khang trang, thuận lợi cho tổ chức, công dân thực hiện thủ tục hành chính |
Trong cải cách chế độ công vụ, công chức, thành phố đã chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán; Kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị.
Về cải cách tài chính công, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách theo yêu cầu của Trung ương.
Thành phố đã ban hành 82 văn bản liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Tập trung thực hiện Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 3/1/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Về rà soát, đơn giản hóa và công bố, công khai TTHC, thành phố đã thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp (8 TTHC); Ban hành 30 Quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ theo phương án ủy quyền giải quyết TTHC (bao gồm: công bố danh mục 1.104 TTHC, bãi bỏ 137 TTHC) thuộc thuộc phạm vi quản lý của các Sở và tương đương; Phê duyệt 857 quy trình nội bộ giải quyết TTHC. Tính đến ngày 14/6/2023, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là: 1.853 TTHC, trong đó cấp Sở, cơ quan tương đương Sở: 1407 thủ tục, cấp huyện: 297 thủ tục và cấp xã là: 149 thủ tục.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số phản ánh, kiến nghị đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo là 3.464; Số phản ánh, kiến nghị đã xử lý là 3.415 (đạt 97%), số tồn trong hạn giải quyết.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Đại diện Sở Nội vụ cho biết, về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; Trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt tỷ lệ 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% đối với hộ kinh doanh.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Ảnh minh họa) |
Việc cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố, chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, là năm thứ 5 liên tiếp ở vị trí này.
Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX) đạt 89,58%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 43,90/80 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm 1 (nhóm 15 tỉnh/thành phố có điểm số cao nhất). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hà Nội giữ vị trí trong nhóm 1 và tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước.
Để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, Đoàn công tác của thành phố, gồm đại diện các Sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Tài chính, Văn phòng UBND thành phố và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã đi khảo sát sáng kiến, kinh nghiệm CCHC, vấn đề chuyển đổi số, chính quyền số tại tỉnh Bắc Giang; Thăm quan Trung tâm dịch vụ công của tỉnh, thành phố Bắc Giang và một đơn vị hành chính cấp phường, qua trao đổi kinh nghiệm nhằm tiếp tục tham mưu UBND thành phố Hà Nội triển khai công tác CCHC, cải cách TTHC, chính quyền số, chính quyền điện tử hiệu quả hơn, đi vào thực chất, nhanh chóng và tiết kiệm.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đánh giá và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Hà Nội; Đăng ký, triển khai các sáng kiến CCHC của các cơ quan, đơn vị ra toàn thành phố; Xây dựng và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường lấy ý kiến hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công liên quan đến đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục và sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị trên toàn thành phố.
Trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác CCHC gắn với việc thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Đồng thời, TP thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối da và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.