Thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ về BVMT là nhất quán, liên tục - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Dức Duy cho biết, năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014, đã tạo điều kiện thực hiện thuận lợi, thông suốt chính sách ưu đãi về thuế đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; máy móc, trang thiết bị sử dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải tập trung.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2022, Bộ Tài chính cho rằng Nghị định chưa quy định cụ thể để xác định sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; chưa rõ, chưa cụ thể về điều kiện của đối tượng được miễn thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải không được hưởng chính sách ưu đãi về thuế như trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết kể từ khi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực thì việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải bị tắc - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Do đó, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP sau 2 năm thực hiện là rất cấp thiết. Bộ TN&MT đã chủ trì, làm việc với các Bộ Tài chính, Tư pháp để nghiên cứu các quy định của Luật BVMT, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ cơ sở pháp lý đối với quy định miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải và hiệu lực áp dụng từ ngày 10/1/2020 (thời điểm Nghị định 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành; quy định về máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu để sử dụng trong các dự án, cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung được miễn thuế nhập khẩu.
Lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, đại diện Bộ Tài chính đã trao đổi về những nội dung còn ý kiến khác nhau và thống nhất bổ sung báo cáo đánh giá tác động đối với hai nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên vào hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; quy định chuyển tiếp để bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp theo Luật BVMT, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu.
Lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, đại diện Bộ Tài chính trao đổi và thống nhất về những nội dung còn ý kiến khác nhau - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ BVMT là nhất quán, liên tục, không để khoảng trống pháp luật làm ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể, doanh nghiệp liên quan. Những vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ về BVMT chủ yếu từ khâu xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật (nghị định, thông tư).
Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải từ thời điểm Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 10/1/2022) thống nhất với Luật BVMT, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hướng dẫn trình tự, thủ tục cho doanh nghiệp thực hiện.