Thanh niên cần đi đầu trong bảo vệ môi trường
Trao tặng xe điện năng lượng mặt trời do sinh viên sáng tạo Quyết liệt bảo vệ môi trường các khu công nghiệp Nhân rộng lối sống xanh qua cuộc thi vẽ tranh "Ngôi trường xanh" |
Thanh niên lo lắng về ô nhiễm môi trường
Hà Nội đang đối mặt với những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên.
Tại buổi gặp mặt và đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh với thanh niên Thủ đô diễn ra chiều 14/10, trong khuôn khổ Đại hội VIII Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội, nhiều thanh niên quan tâm đến những chủ trương, giải pháp của thành phố để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ tại buổi đối thoại |
Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Ba Đình Phạm Thu Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến ảnh hưởng của bão Yagi vừa qua là do sự biến đổi khí hậu từ ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở ngành của thành phố có những chủ trương, giải pháp gì để góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ô nhiễm môi trường, tác động ngày càng rõ ràng, phức tạp. Trên địa bàn TP Hà Nội có 17 khu công nghiệp, khoảng 1300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600 ngàn ôtô, thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu.
Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề nan giải của thành phố. Theo các kết quả quan trắc gần đây, số ngày chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (AQI) ở mức kém và xấu chiếm hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50 - 70%), tiếp đến là từ nguồn sản xuất công nghiệp (14 - 23%), còn lại các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Theo kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, thành phố đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm ít nhất 75% số ngày trong năm có chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI.
Hiện Hà Nội đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội cũng triển khai các chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công trình xây dựng thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Triển khai 5 nhóm giải pháp chính
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại Thủ đô, các cơ sở Đoàn trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn Cầu Giấy Hoàng Văn Sướng cho biết, gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường, thời gian qua, Đoàn Thanh niên các cơ sở trên địa bàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục và triển khai nhiều mô hình như: “Hàng cây thanh niên”, “Văn phòng xanh - Cơ quan xanh” tại khu dân cư, trường học, cơ quan, văn phòng làm việc; triển khai mô hình "Trường học không rác thải nhựa"...
Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn Cầu Giấy Hoàng Văn Sướng chia sẻ về các hoạt động bảo vệ môi trường của đoàn viên, thanh niên |
Cùng với đó, Quận đoàn Cầu Giấy chỉ đạo Đoàn Thanh niên khối phường triển khai có hiệu quả phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; công trình “Hàng cây thanh niên”, công trình “Tranh tường bích họa”; đồng thời triển khai các đội hình ra quân bóc gỡ rác quảng cáo rao vặt, triển khai các hội thi về môi trường…
Kiến nghị về các giải pháp liên quan đến bảo vệ môi trường thời gian tới, Hoàng Văn Sướng cho rằng: “Vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội luôn nóng. Ý thức của một bộ phần người dân còn chưa tốt, ví dụ như vứt rác bừa bãi, vứt rác không đúng giờ quy định… gây ảnh hưởng đến môi trường sống. Thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, tôi rất mong thành phố sẽ có các giải pháp triệt để hơn như tính toán giờ thu gom rác phù hợp, để tránh giờ cao điểm, gây ách tắc giao thông và đỡ mất mỹ quan đô thị hơn”.
Ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, thành phố đang triển khai 5 nhóm giải pháp chính thực hiện đến 2050.
Một là, thành phố tăng cường cải tạo và bảo vệ môi trường đô thị gắn với quy hoạch phát triển Thủ đô. Theo đó, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tạo và xử lý ô nhiễm các hồ nước và hệ thống sông ngòi; mở rộng hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí và nước...
Hai là, thành phố thực hiện các giải pháp chuyển đổi năng lượng sang năng lượng và phát triển đô thị thông minh. Dựa trên cơ sở của Luật Thủ đô năm 2024 và quy hoạch phát triển đô thị, Hà Nội sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời mái nhà sẽ là trọng tâm trong chiến lược tiết kiệm năng lượng. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Ba là, thành phố tập trung phát triển giao thông xanh, thông minh, tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng đô thị thông minh, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành giao thông, hướng đến việc xây dựng một hệ thống giao thông tích hợp và thân thiện với người sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao hiệu quả giao thông đô thị.
Bốn là, thành phố phát triển không gian công cộng, không gian xanh theo mô hình đô thị vệ tinh. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tạo và xây dựng các không gian công cộng, không gian xanh tại khu vực nội đô, đồng thời bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội theo tinh thần "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Năm là, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thủ đô năm 2024, trong đó có nhiều cơ chế đặc thù về phát triển hạ tầng giao thông, xử lý chất thải rắn... góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô.
“Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phải có sự liên kết vùng, liên kết với các tỉnh bạn để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm. Quan trọng nhất, chúng ta cần xây dựng ý thức chung tay bảo vệ môi trường của cộng đồng, trong đó, đoàn viên, thanh niên phải tiên phong đi đầu với các phong trào thiết thực, cụ thể”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam nhấn mạnh.