Thực phẩm bẩn “luồn lách” vào… thành phố
Tinh vi đến khó phát hiện
Cuối năm là thời điểm thuận lợi để các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường thành phố Hà Nội. Do đó, thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều đường dây, buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được đưa từ các tỉnh khác về Hà Nội tiêu thụ.
Cụ thể, ngày 15/12, Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã ra quân kiểm tra và phát hiện khoảng 2 tấn nguyên liệu trà sữa không có hóa đơn chứng từ của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ TACO Việt Nam tại ngõ 780 Minh Khai (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng là bà Trương Thị Thanh Huyền (hộ khẩu thường trú tại 622 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ của toàn bộ lô hàng, ước tính số lượng lên tới 2,1 tấn. Theo bà Huyền, số nguyên liệu trên hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc và được nhập lại từ một chủ hàng khác tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi mua về, bà Huyền thay đổi nhãn mác thành thương hiệu của mình để tiếp tục đưa vào hệ thống của TACO, với khoảng 10 địa điểm trên địa bàn Hà Nội.
Gần đây nhất, ngày 24/12, tại khu vực đường vành đai ba, chiều từ Hà Nội đi cầu Thanh Trì, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô phát hiện hai chiếc xe máy chở hàng tạ mỡ động vật đang có dấu hiệu phân hủy. Theo các cơ quan chức năng, việc dùng xe máy, xe thô sơ vẫn chuyển thực phẩm bẩn sẽ rất khó kiểm soát và ngăn chặn.
Thực tế, không chỉ riêng Hà Nội mà tại các tỉnh khác, tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn cũng rất phức tạp. Vừa qua, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Công an TP Huế cũng đã phát hiện 90 bì xúc xích có tổng trọng lượng 45 kg, 7 bì tôm Surimi có trọng lượng 500 g, 120 bì chạo sả có tổng trọng lượng 60 kg, 5 tủ lạnh chứa xúc xích, bò viên, tôm viên, tôm surimi, chả cá... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 290 bịch nước tương các loại mỗi bịch 0,5 l không bảo đảm về nhãn mác.
Tại Vĩnh Phúc, đầu tháng 12 vừa qua, một chiếc xe tải chạy tuyến Nam Định – Thanh Hóa chở theo hàng chục bao tải thực phẩm bẩn. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, chủ phương tiện không chịu hợp tác xử lý mà còn cố tình chống đối bằng cách cho xe chạy lòng vòng quanh khu vực bến xe, đồng thời ném từ trên xe hàng chục bao tải chứa thực phẩm “bẩn” xuống lề đường hòng phi tàng.
Hành động của nhà xe diễn ra giữa ban ngày, khiến cho dư luận cả nước bất bình. “Tình trạng này diễn ra ngày càng phổ biến nhưng các cơ quan chức năng khó kiểm soát” – một cán bộ quản lí thị trường nhận đinh.
Nguy cơ ngộ độc tăng cao
Để ngăn chặn việc vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, Chi cục Quản lý thị trường đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như PC46, PC49 (Công an thành phố Hà Nội), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lên kế hoạch kiểm tra liên ngành trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi Cục Quản lý thị trường chủ trì đã kiểm tra 40 vụ, xử lý 34 vụ, đang xử lý 5 vụ, không xử lý 1 vụ, phạt hành chính 277,9 triệu đồng với trị giá hàng vi phạm 306,050 triệu đồng.
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra cũng phát hiện 3.700 kg phụ gia thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. 4,3 tấn lê có nhãn chữ Trung Quốc và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch thực vật…
Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Việc kiểm tra an toàn thực phẩm là quan trọng hàng đầu. Kết quả kiểm tra so với năm 2015 cao hơn, tổng số kiểm tra thấp hơn nhưng kết quả xử lý cao hơn. Việc kiểm tra cũng được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất lớn, với các sản phẩm: Thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, rau củ quả… Đó là những nhóm hàng tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết. Ngoài ra, các đoàn thanh tra sẽ tập trung thanh tra tại các thành phố lớn, các chợ đầu mối, những địa điểm tập trung chuyển các nguồn hàng về các tỉnh, cửa khẩu.
Lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm Nhận định tình hình buôn bán, vận chuyển thực phẩm “bẩn” những ngày cuối năm là phức tạp nên Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017. Tại các địa phương, sẽ tiến hành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến quận, huyện, xã, phường, có đại diện Mặt trận Tổ quốc cùng các cấp tham gia kiểm tra theo Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký tháng 3/2016. Được đánh giá là thị địa bàn phức tạp, với lượng hàng hóa lưu chuyển lớn nên Hà Nội sẽ được tăng cường thêm các lưc lượng và tập trung vào các điểm trung chuyển hàng hóa tập như: Ninh Hiệp, ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, sân bay Nội Bài… Đó là những địa bàn trọng điểm mà Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sẽ bám sát, yêu cầu các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra thực phẩm bằng xe xét nghiệm lưu động. |