Thực phẩm, rau xanh tăng giá mạnh sau kì nghỉ Tết Nguyên đán
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, giá các loại thực phẩm, rau xanh tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội tăng khá cao; Ảnh: Vương Đức
Bài liên quan
Hà Nội: Đảm bảo y tế phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội năm 2020
Thời tiết dịp Tết Canh Tý: Khu vực Hà Nội có mưa, trời rét đậm
Dịch vụ giúp việc, bảo vệ đắt khách dịp Tết
Làng hoa ven đô tất bật đón Tết Nguyên đán Canh Tý
Đội “Giao thông xanh” quận Hoàng Mai hỗ trợ người dân dịp Tết Nguyên đán
Rau xanh tăng giá gấp 3-4 lần ngày thường
Ghi nhận của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô trong hai ngày mùng 4 và 5 Tết (28-29/1) tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm (Hai Bà Trưng), Thành Công (Ba Đình), Kim Liên (Đống Đa), Dịch Vọng (Cầu GIấy)... cho thấy, các loại thực phẩm, rau xanh bày bán sau Tết khá phong phú, tuy nhiên giá cả tăng khá cao so với ngày thường.
Cụ thể, thịt lợn thăn có giá 190.000 – 200.000 đồng/kg, sườn non có giá 200.000 – 210.000 đồng/kg, chân giò có giá 180.000 đồng/kg, thịt nạc vai có giá từ 190.000 - 200.000 đồng/kg. Tương tự, thịt bò thăn có giá 330.000 - 350.000 đồng/kg trong khi ngày thường là 250.000 - 270.000 đồng/kg, thịt gà ta có giá 140.000 đồng/kg...
Đáng chú ý là các mặt hàng thủy, hải sản cũng tăng khá cao, đơn cử như ngày mùng 4 - 5 Tết, giá tôm sú loại to là 750.000 – 800.000 đồng/kg, cá trắm 90.000 - 100.000 đồng/kg, cá chép 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm, giá rau xanh các loại cũng tăng khá nhiều so với dịp trước Tết. Tại các chợ truyền thống, hiện rau susu có giá 30.000 đồng/kg; su hào: 20.000 đồng/củ; rau cần 50.000 đồng/kg; rau muống: 30.000 đồng/mớ; đỗ trạch giảm 20.000 đồng/kg; bắp cải: 15.000 đồng/kg; cà chua, khoai tây ở mức 20.000 đồng/kg...
Nói về nguyên nhân khiến các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, chị Vương Thị Nhung (tiểu thương tại chợ Hôm - Hà Nội) cho biết: “Giá các loại rau xanh đắt là bởi trong Tết ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận có mưa lớn và mưa đá, rau bị dập nát nhiều, ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch. Cùng với đó, sau Tết, nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người dân tăng cao nên giá bị đẩy lên. Ở thời điểm hiện tại, giá rau xanh tăng lên gấp 3-4 lần ngày thường”.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, giá các loại thực phẩm, rau xanh tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội tăng khá cao |
Ngoài các mặt hàng thực phẩm và rau xanh thì các loại hoa như hoa ly, hoa dơn, hoa cúc, hoa hồng, cẩm chướng... cũng tăng giá mạnh so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ vườn hoa, cây cảnh tại Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi trồng khoảng 5 sào hoa các loại để phục vụ bà con nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Dịp trước Tết, do nguồn cung hoa khá khan hiếm nên giá hoa bị đẩy lên cao. Tại thời điểm này, nhu cầu của người dân vẫn rất cao do sau Tết có nhiều lễ hội nên giá các loại hoa vẫn chưa hề hạ nhiệt.
Cụ thể hoa ly đỏ có giá 60.000 - 80.000 đồng/ cành, hoa dơn 120.000 đồng/ chục, hoa hồng 100.000 đồng/ chục, hoa cúc 100.000 đồng/ chục... Nếu tình hình thời tiết diễn biến như hiện tại, giá hoa sẽ giữ ổn định đến dịp rằm tháng Giêng”.
Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong dịp Tết Canh Tý vừa qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... sức mua nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10 - 12% so với Tết Kỷ Hợi 2019. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các doanh nghiệp đã dự trữ một lượng hàng hóa lớn, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm. Tuy nhiên, sau kì nghỉ Tết, giá các loại thực phẩm vẫn tăng mạnh so với thời điểm trước Tết.
Bên cạnh các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống, vài năm trở lại đây, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài vẫn mở cửa đón khách trong những ngày Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân. Không những vậy, trong cơ cấu hàng hóa của các siêu thị chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao, có sự tiến bộ vượt trội về mẫu mã so với Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các năm trước, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Vì thế, người dân cũng có sự thay đổi, chuyển dần thói quen mua hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm nhập ngoại... sang tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước.
Để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, nhập khẩu ngày càng phát triển mạnh, cùng với các quầy thực phẩm lớn tại các siêu thị như Vinmart, Aeon, Big C, Lotte mart... đã góp phần cung ứng hàng hóa cho thị trường.
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Chương trình Bình ổn giá của thành phố Hà Nội đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa. Cụ thể, hệ thống siêu thị Vinmart đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá 800 tỷ đồng tăng 30% so với dịp Tết năm trước. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dự trữ lượng hàng hóa tăng 5% so với năm trước tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, Hapro đã đưa ra thị trường 6 loại gạo đặc sản Đồng Tháp như Jasmine organic phục vụ người tiêu dùng.
Ngay từ ngày mùng hai Tết, nhiều doanh nghiệp, tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống đã hoạt động đã trở lại bình thường. Theo đại diện các doanh nghiệp, ngoại trừ các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh, đặc biệt là rau xanh, thịt gia cầm vẫn tăng mạnh, còn hầu hết mặt hàng khác đều tiêu thụ cầm chừng cho đến rằm, thậm chí đến hết tháng giêng. Các doanh nghiệp dự đoán diễn biến thị trường sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2020 bởi nguồn hàng rất dồi dào, nhà sản xuất và kinh doanh ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong việc triển khai kế hoạch, cân đối cung cầu.