Thương hiệu OCOP từ sen, nấm của nhà nông Hà thành
“Thương hiệu văn hóa” của Thủ đô |
Đưa thương hiệu rau an toàn vang xa |
Sen não sấy khô Nam Triều
Anh Phạm Ngọc Tuân là chủ hộ kinh doanh tại thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội nổi tiếng với thương hiệu Sen não sấy khô Nam Triều. Đây là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của thành phố Hà Nội. Mô hình trồng sen Nhật Bản trên diện tích kém hiệu quả tại địa phương không chỉ mở ra cho anh Tuân mà còn cả hướng đi mới cho vùng đất trũng này.
Bình thường khi nhắc tới Phú Xuyên, người ta hay nghĩ tới mô hình lúa, cá, vịt nổi tiếng một thời nhưng không thể đi theo lối mòn mãi khi thị trường, môi trường xã hội mỗi ngày một đổi thay. Những hộ kinh doanh như anh Phạm Ngọc Tuân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đổi mới sáng tạo trong sản xuất đã góp phần thay đổi diện mạo Nông thôn mới.
Một bước trong quy trình tạo nên thương hiệu Sen não sấy khô Nam Triều |
Sau dồn điền đổi thửa (năm 2012), vùng ruộng trũng cho thu hoạch bập bõm, khiến thu nhập của người dân cũng bấp bênh. Trước tình cảnh đó, lãnh đạo xã Nam Triều đã đi tìm hiểu, thăm các mô hình nông nghiệp mới tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc. Mục tiêu được đặt ra là phải tìm được mô hình mới đáp ứng được 2 tiêu chí: Hiệu quả hơn cấy 2 vụ lúa; đầu ra sản phẩm có doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Mà trên hết, phải bảo đảm đó là mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, giúp xây dựng môi trường sinh thái nông thôn trong lành.
Cuối năm 2019, sản phẩm từ giống sen của Nhật Bản đã được đưa vào sản xuất, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản. “Người cần đất, đất cần người”, cơ duyên đưa đẩy, đến năm 2020 mô hình trồng sen này đã hình thành trên những cánh đồng trũng kém hiệu quả ở Nam Triều. Anh Tuân và nhiều người dân nhiệt tình tham gia ngay từ những ngày đầu, bởi mô hình bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên kết.
Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao |
Anh Phạm Ngọc Tuân, cho biết: “Giống sen (Vĩ liên), được Nhật Bản phối hợp với Việt Nam lai tạo. Thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm với sản lượng khoảng 130kg/sào. Sau khi thu hoạch, sen được thu mua để ăn tươi, làm bánh tẻ, sen chè, sen não (xuất khẩu). Quá trình chăm sóc sen hoàn toàn dùng phân hữu cơ, vi sinh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất trên đồng ruộng nên môi trường sinh thái làng quê trong lành, sạch đẹp”.
Anh Tuân bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới sẽ được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để mở rộng mô hình. Đây là cơ sở để xây dựng thêm các khu sơ chế, chế biến và đóng gói, tạo thêm việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đông trùng hạ thảo Lâm Hồng
Cũng tại vùng quê Phú Xuyên, Cơ sở nuôi trồng và chế biến nấm Lâm Hồng, ở thôn Nam Phú, xã Nam Phong được Phòng Kinh tế huyện chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm: Nuôi nấm đông trùng hạ thảo; Sấy, đóng gói nấm đông trùng hạ thảo. Từ năm 2021, hai sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô và đông trùng hạ thảo tươi của cơ sở Lâm Hồng được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Đông trùng hạ thảo của Cơ sở nuôi trồng và chế biến nấm Lâm Hồng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao |
Cơ sở nuôi trồng và chế biến nấm Lâm Hồng là một thương hiệu mới của huyện Phú Xuyên. Chị Lê Thị Anh Đào, Chủ hộ kinh doanh cho biết: “Chúng tôi bắt đầu mở cơ sở từ năm 2020, diện tích nuôi trồng hiện 60m2 được nuôi trồng tại nhà, với số vốn kinh doanh ban đầu là 300 triệu đồng. Những bước đi ban đầu rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, sản phẩm chuẩn, đảm bảo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt tuyệt đối dẫn đến giá thành cao hơn với các sản phẩm chưa đảm bảo nhưng nhiều khách hàng chưa phân biệt được”.
Đông trùng hạ thảo là một loại nấm rất khó nuôi trồng thành công, đòi hỏi người nuôi trồng phải công phu, có thời gian nghiên cứu các yếu tố từ nhiệt độ, thời tiết. Ngoài ra là quá trình tạo giống, bởi đòi hỏi môi trường sinh trưởng sạch sẽ, phòng được khử trùng trước khi trồng, độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng phải tương đương với ánh sáng tự nhiên…
Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo |
Đông trùng hạ thảo Lâm Hồng dạng tươi và sấy khô, sau khi cho vào nước đun sôi khoảng 30 phút, dùng để uống trà và ăn phần quả thể. Có thể dùng đông trùng hạ thảo để nấu cháo, hầm canh, ngâm mật ong, ngâm rượu hoặc pha chế các món ăn hợp khẩu vị khác. Sản phẩm cần được bảo quản ở nhiệt độ 4-6 °C hoặc trong ngăn mát tủ lạnh; Thông thường dùng từ 1-2 gram khô/người/ngày hoặc 5-10 gram tươi/người/ngày.
Tác dụng chính của đông trùng hạ thảo Lâm Hồng là cường hệ thống miễn dịch cơ thể, chống viêm nhiễm, kháng lại nhiều loại virus; tăng cường sinh lý, hỗ trợ điều trị vô sinh, sảy thai; bảo vệ phổi, trị các bệnh về phổi, trừ đờm, hen suyễn, suy hô hấp, trị các chứng ho lâu ngày; chống lão hóa, làm đẹp da; hỗ trợ tiêu hóa; hỗ trợ điều tiết lượng đường trong máu, kiểm soát bệnh tiểu đường; thanh lọc thải độc; hạn chế tác hại của tia tử ngoại, chất phóng xạ…