Đưa thương hiệu rau an toàn vang xa
"Luồng gió mới" trong sản xuất rau an toàn |
Cam kết nông sản chất lượng
Hợp tác xã rau an toàn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội) luôn cam kết mang đến cho khách hàng nguồn thực phẩm, nông sản đảm bảo chất lượng cao và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những năm qua, Hợp tác xã rau an toàn xã Hà Hồi tập trung gieo trồng các loại rau theo hướng an toàn và tiêu chuẩn VietGAP. Với sự quan tâm của thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín, xã Hà Hồi đã đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, hệ thống cấp nước sạch và hoàn thiện giao thông nội đồng phục vụ cho việc sản xuất.
Nông sản của Hợp tác xã rau an toàn Hà Hồi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP |
Chị Dương Thị Anh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn xã Hà Hồi cho biết, hiện hợp tác xã có 8 thành viên với diện tích sản xuất rau trên 22 ha, trong đó có 3 ha sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP, với sản lượng từ 15 - 20 tấn rau các loại/ngày. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, năm 2021, HTX rau an toàn xã Hà Hồi cũng đã đăng ký sản phẩm rau, mộc nhĩ, nấm sò các loại tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa sản phẩm của HTX bày bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trong huyện và thành phố.
Cũng trong năm 2021, Hợp tác xã có 10 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: Rau mồng tơi, rau xà lách, rau kinh giới, rau ngải cứu, rau muống, rau cải mơ, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau ngót, nấm sò trắng.
Với các sản phẩm tươi ngon, đảm sức khỏe cho người tiêu dùng theo hướng hữu cơ, cộng việc dễ dàng truy xuất guồn gốc xuất xứ, chị Dương Thị Anh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn xã Hà Hồi hy vọng thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng rộng mở. Từ đó, nâng cao đời sống của các thành viên trong hợp tác xã.
Nâng cao đời sống người dân
Người dân chăm sóc rau |
Trên cánh đồng thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) phủ một màu xanh mướt của rau màu. Những luống rau xanh ngắt được người nông dân tỉ mỉ, tận tâm chăm bón.
Theo Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Nhân Trần Văn Mạnh, trồng rau xanh tuy vất vả, phải chăm sóc đủ các điều kiện thì cây rau mới sinh trưởng, phát triển tốt nhưng bù lại cho thu nhập khá. Nhiều hộ gia đình cũng đang “sống khỏe” nhờ trồng rau an toàn.
Mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương thu hồi đất để phục vụ các dự án công nghiệp, đô thị, diện tích đất nông nghiệp ở địa phương bị thu hồi nhiều, hiện chỉ còn hơn 105ha. Không còn nhiều đất sản xuất, người dân chuyển sang trồng rau xanh và hoa. So với trồng lúa một năm 2 vụ, thì trồng rau sạch mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều.
Rau an toàn của Hợp tác xã Yên Nhân |
Mùa nào thức ấy, rau của hợp tác xã đến thời kỳ thu hoạch sẽ được thương lái đến tận ruộng thu mua. Thậm chí, họ phải đặt trước với nông dân. Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Nhân Trần Văn Mạnh cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn.
Vì thế người nông dân đã thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện tốt quy trình sản xuất là giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc nguồn gốc sinh học, dùng biện pháp bẫy bả bằng bìa màu hạn chế côn trùng sâu bệnh.
Nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, từ đó đã tạo được lòng tin từ các thương lái và người tiêu dùng.
Năm 2021, hợp tác xã có 8 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 3 sao gồm: Rau xà lách xoăn, rau súp lơ xanh, rau cải ngồng, rau cải mơ, rau cải bẹ, quả mướp hương, quả dưa chuột, quả cà pháo.
Bên cạnh đó, 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao: Rau cải ngọt, rau cải chíp,quả mướp đắng, củ su hào. Người dân kỳ vọng giấy chứng nhận OCOP không chỉ củng cố niềm tin với khách hàng mà còn đưa cây rau của hợp tác xã có giá trị cao hơn.