Tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và văn hóa thể thao
Chuyển đổi số cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp Sinh viên Việt Nam tiên phong chuyển đổi số Những chuyển biến mạnh mẽ từ công tác chuyển đổi số của thành phố Hà Nội |
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng báo cáo tại hội nghị |
Chiều 17/7, báo cáo tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: 6 tháng đầu năm, TP đã kiện toàn, hợp nhất Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP thành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số TP Hà Nội; Ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo đảm bảo công tác chỉ đạo thống nhất, tổng thể, thể hiện rõ trách nhiệm của từng ngành trong công tác CCHC, chuyển đổi số của TP.
Trên cơ sở tham mưu của các ngành, UBND TP đã ban hành các Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của các ngành liên quan đến xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số theo lĩnh vực phụ trách.
TP tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng của TP (mạng WAN) đến 579/579 xã, phường, thị trấn, tích hợp mạng WAN của TP vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ; Kết nối mạng tin học UBND TP với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến TP...
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ quan nhà nước TP Hà Nội tiếp tục được duy trì, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện phục vụ kịp thời các hoạt động ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước của TP và người dân, doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa”. Ngoài ra, TP đang rà soát một số huyện (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì) khó khăn về nguồn lực để hỗ trợ bổ sung, nâng cấp hạ tầng mạng nội bộ, trang thiết bị CNTT tại trụ sở UBND và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác CCHC và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Các hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: Giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính,.... được TP giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.
Theo đó, ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo: TP tiếp tục duy trì Hệ thống quản lý tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10), đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Ở lĩnh vực xây dựng, bước đầu triển khai các hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành như: CSDL thông tin kiểm soát và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, các khu vực có tranh chấp, khiếu kiện về xây dựng đất đai; Hệ thống CSDL quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS và CSDL nền địa lý quốc gia; CSDL quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước giao các đơn vị, doanh nghiệp, kinh doanh nhà quản lý, khai thác
Lĩnh vực đầu tư và doanh nghiệp: TP đã hoàn thành việc triển khai hệ thống CSDL chuyên ngành kế hoạch đầu tư và doanh nghiệp tích hợp các hệ thống thông tin do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý; Kết nối, tích hợp với CSDL quốc gia về đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng CNTT chuyển đổi số của lĩnh vực du lịch và văn hóa, thể thao đã đang được tích cực triển khai như: Xây dựng hệ thống phần mềm triển lãm sách, báo, tạp chí; Nâng cấp phần mềm thư viện thiếu nhi và số hóa tài liệu sách, báo, tạp chí tại Thư viện Hà Nội; Xây dựng hệ thống CSDL ứng dụng công nghệ số hóa tư liệu trong quản lý và bảo tồn di sản văn hóa;…
Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, TP Hà Nội đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP đến 3 cấp trực thuộc TP đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương.
Việc tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đang được triển khai; 100% các cơ quan Nhà nước TP đã thực hiện mở dữ liệu.