Tích cực vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh
Bảo đảm vệ sinh môi trường, khử khuẩn
Sau hơn 2 tuần chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt, đến nay hầu hết các khu vực dân cư ven sông Bùi, sông Tích tại Hà Nội đã không còn cảnh ngập úng. Đời sống người dân dần ổn định trở lại.
Thống kê của huyện Chương Mỹ, trong đợt lũ này, 1.480 hộ dân ở 10 xã (Tốt Động, Đông Sơn, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú) trong vùng "rốn lũ" bị ngập 0,5 - 2m, 7.410 nhân khẩu cần cứu trợ và 4.329 người phải đi sơ tán.
Đến nay, huyện đã tiếp nhận 6.316 thùng mỳ tôm, 4.836 thùng, bình nước, 1.232 chai nước mắm, 929 chai dầu ăn, 15kg thuốc khử trùng, 350 chai dung dịch vệ sinh, thuốc nhỏ mắt, ngứa chân, tiêu chảy và 1.000 gói ChloraminB… từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Các gia đình phải đi sơ tán cơ bản đã trở về nhà ổn định đời sống, vệ sinh nhà cửa.
Cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã Nam Phương Tiến cấp thuốc chữa bệnh ngoài da, làm sạch nguồn nước sinh hoạt cho người dân thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến). Ảnh Bảo Châu |
Sáng 7/8, các công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội phối hợp cùng lực lượng công an, dân phòng và nhân dân thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ huy động các máy móc dọn vệ sinh, hút và thổi khơi thông cống rãnh nhằm tăng cường khả năng thoát nước tại thôn.
Toàn huyện cũng đã huy động 220 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, gần 1.000 dân quân và cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên cùng 12 phương tiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học phục vụ cho năm học mới.
Để đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả bão lụt, UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các phương án để tổng vệ sinh môi trường, rác thải, xác động vật, thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ thiệt hại theo quy định; triển khai phương án phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi; kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi.
Các phòng, ban, ngành của huyện chủ động triển khai phương án đảm bảo đời sống cho người dân; không để xảy ra tình trạng người dân không có nước uống, nước sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu; bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường môi trường và hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men cho những trường hợp đau ốm.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh
Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã thành lập các Trạm Y tế lưu động. Riêng tại xã Nam Phương Tiến, trạm y tế xã đã phát thuốc ngăn ngừa nước ăn chân, thuốc nhỏ mắt và Cloramin B để khử khuẩn cho nhân dân thanh trùng nước ăn, nước sinh hoạt.
Tại huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường, tiếp tục cung cấp bổ sung cho các đơn vị có nhu cầu; phân công cán bộ giám sát thường trực 24/24 giờ và 4 đội cơ động tiến hành theo dõi, giám sát, hỗ trợ đối với những xã, thị trấn bị ngập.
Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ tổ chức điểm cấp phát thuốc lưu động cho người dân tại xã Nam Phương Tiến |
Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã thống kê các sản phụ dự kiến sinh tại các xã bị ngập úng; phân công cán bộ y tế theo dõi sát tình trạng của các sản phụ, hướng dẫn di chuyển đến nhà người thân tại các vùng không bị ngập. Có phương án sẵn sàng phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện đưa các sản phụ đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời với các trường hợp phát sinh.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước tình hình mưa lũ kéo dài tại một số huyện ngoại thành, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế thành lập các tổ cấp cứu cơ động, đội phòng chống dịch cơ động, như tại huyện Chương Mỹ đã thành lập 4 tổ cấp cứu cơ động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân tại các vùng bị ngập úng.
TS Nguyễn Đình Hưng cũng lưu ý, trong mùa mưa lũ người dân cần chú ý đến các bệnh về mắt, da liễu, tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh liên quan đến thực phẩm…