Tiếc thương, vĩnh biệt một nhân cách lớn của dân tộc
Cộng đồng mạng tiếc thương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Đoàn cựu sinh viên lớp Văn khóa VIII (1963 - 1967) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Có mặt từ sớm tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) để xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Nhàn (Đông Anh, Hà Nội) luôn dõi theo từng hình ảnh tang lễ Tổng Bí thư qua màn hình, chốc chốc bà lại lấy khăn tay lau những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Bà Nhàn xúc động chia sẻ: "Tôi vô cùng kính trọng và biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông là một người con ưu tú của đất nước Việt Nam nói chung và của Nhân dân huyện Đông Anh nói riêng. Sự ra đi của Tổng Bí thư là nỗi mất mát rất lớn, không gì có thể bù đắp được. Hôm nay, cả gia đình tôi đã dừng lại hết mọi công việc, cùng nhau về đây để viếng bác Trọng. Kính mong bác được an nghỉ cõi vĩnh hằng".
Người dân xếp hàng viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Chị Vũ Thị Thủy (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ 5h sáng, chị cùng người dân thôn Lại Đà xếp hàng ngay ngắn để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù chưa được nói chuyện trực tiếp với Tổng Bí thư nhưng những lần làng có lễ hội, chị đã chứng kiến Tổng Bí thư đều về dự. Tổng Bí thư là người sống rất giản dị, chân thành với người dân.
“Người dân Lại Đà chúng tôi thật tự hào khi quê hương mình có người con ưu tú như Tổng Bí thư. Nhân dân trong xã, trong thôn chúng tôi, ai cũng kính trọng, mến yêu, tự hào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi sẽ nhớ mãi những lời căn dặn của ông mỗi lần về thăm quê và cũng luôn nhắc nhở nhau phải sống, làm việc thật tốt để cùng nhau vun đắp, xây dựng quê hương”, chị Thủy cho hay.
Người dân khắp mọi nơi đã sắp xếp công việc để đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Cũng là một trong những người đầu tiên có mặt tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, bà Nguyễn Thị Quý (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hôm nay, tất cả người dân tại địa phương đều sắp xếp công việc để đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Tôi cùng 2 con gái đã xếp hàng từ sáng sớm để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi muốn các con có mặt tại đây để nhắc nhở các con luôn học tập và nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã tận hiến cả cuộc đời vì Đảng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân", chị Quý chia sẻ.
Ngay từ khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, triệu con tim của người dân Việt Nam không ngừng thổn thức, tiếc thương một nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân. Không ai bảo ai, nhà nhà, người người đều lặng lẽ treo cờ rủ, tạm gác lại niềm vui cá nhân để tỏ lòng thành kính, biết ơn một nhân cách lớn của dân tộc.
Ảnh người dân treo cờ rủ tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do anh Vũ Đức Vinh chụp |
Anh Vũ Đức Vinh (Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây mấy hôm, trong một chuyến đi công việc, lúc tránh nắng bên đường tôi thấy một bà cụ cầm một dải khăn đen buộc lên lá cờ Tổ quốc với vẻ trang trọng và tôn kính. Từ phía sau, một cậu bé khoảng 10 tuổi thắc mắc hỏi bà “Vì sao chúng ta lại phải buộc cờ như vậy?” Bà cụ chậm rãi giải thích cho đứa cháu nhỏ về Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng lúc đó trong nhà có tiếng một phụ nữ: “Từ hôm nay các con để ảnh đại diện hình cờ rủ nhé”.
Mặc dù hôm đó chưa đến ngày chính thức thực hiện nghi lễ Quốc tang nhưng trong một gia đình nhỏ họ đã nhắc nhở nhau thực hiện nghi lễ như để tỏ lòng biểt ơn với một vị lãnh đạo, một nhân cách lớn, một người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân. Họ không làm điều đó vì quy định hành chính mà là từ tâm, từ lòng biết ơn và cũng từ đó họ truyền lại cho con cháu về một nét văn hoá truyền thống, lòng tôn kính và biết ơn.
Tôi chợt nghĩ, kiến thức, tri thức có thể học ở nhà trường, ở thầy cô, trên sách vở nhưng văn hoá được truyền lại từ những điều nhỏ nhặt giữa đời thường, từ bà và mẹ. Thứ văn hoá truyền đời đã làm lên một đất nước biết đánh và biết thắng mọi kẻ thù hung bạo. Để có bình yên, hạnh phúc và cơ đồ như hôm nay, lòng dân ta biết ơn người chèo lái”, anh Vinh chia sẻ.