Tiến sĩ mỏ - địa chất trên “vỉa quặng” ngôn từ
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh (bên phải) và nhạc sĩ Trần Ngọc
Bài liên quan
"Rơi vào đường chân trời" cùng nghệ sĩ Quách Bắc
Nguyễn Thị Thu Hiền đăng quang "Hoa hậu doanh nhân Việt Hàn 2019"
Triển lãm “Việt Nam những sắc màu văn hóa”
Nghệ sĩ trẻ tự sự trong hòa nhạc “Từ Trịnh: Những lời gió mới”
Khánh thành tranh gốm Đài Loan trên "Con đường gốm sứ"
"VTV True Concert" mang đến những "Thanh âm từ thiên nhiên"
Nhạc chắp cánh cho thơ
Một điều tuyệt vời nữa, các bài thơ của anh lại được chắp cánh bằng âm nhạc. Ngày 12/8, lễ chào đời tổ hợp thơ - ca khúc “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc” của anh và nhạc sĩ Trần Ngọc chính thức diễn ra tại Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với mục đích từ thiện.
“Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc” gồm 12 bài thơ viết từ năm 1987 tới nay. Đây là những bài nhạc sĩ Trần Ngọc chọn lọc từ ba tập thơ đã xuất bản và hai bài của tập thứ tư sắp ra đời mang tên “Đôi mắt thời @4.0. Biển xanh”. Các tác phẩm này đều là những bài thơ được nhiều độc giả yêu thích, mến mộ, thuộc lòng trong những năm qua của Ngọc Lê Ninh.
Chủ đề xuyên suốt của CD là tình yêu quê hương đất nước với bài chủ đạo là “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc”. Tên do nhạc sĩ Trần Ngọc lựa chọn dựa trên nội dung của thi phẩm “Hai chiều Tổ quốc” viết viết về tình mẹ con lồng trong tình đất nước.
Nói về các ca khúc trong CD này, nhà thơ Ngọc Lê Ninh cho biết: “Tôi đánh giá rất cao về âm nhạc của nhạc sĩ Trần Ngọc. Hầu như anh Trần Ngọc không bỏ thơ của tôi mà sử dụng hết các chất liệu có sẵn. Bài thơ như thế nào thì Trần Ngọc vẫn giữ nguyên, phổ nhạc theo phong cách của riêng mình, chỉ đảo các câu sao cho mượt mà hơn mà thôi”.
Có khá nhiều bài thơ sau khi phổ nhạc thì khán giả lại chỉ nhớ đến bài hát và quên mất phần thơ. Với bản lĩnh của mình, Ngọc Lê Ninh không hề lo ngại “tác dụng phụ” đó. Thơ của anh đã có vị trí nhất định trong lòng người yêu thi ca trên khắp đất nước và cả nước ngoài, nay có thêm âm nhạc chắp cánh thì càng thêm tự hào.
Đáng chú ý, CD này tập hợp hầu hết các ca sĩ đoạt giải Sao mai như Xuân Hảo, Phương Thủy, Lương Hải Yến… và những ca sĩ từng thi hoặc đoạt giải tại Sao mai. Được đào tạo chính quy, bài bản về âm nhạc, họ hát rất cảm xúc và chuyên nghiệp, góp thêm phần thành công cho các ca khúc của anh và Trần Ngọc. Ngọc Lê Ninh hy vọng tâm huyết của nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ cũng như những người thực hiện tổ hợp thơ - ca khúc này được đón nhận nồng nhiệt.
Tâm hồn thơ của tiến sĩ môi trường
Đây không phải là lần đầu tiên thơ của Ngọc Lê Ninh được phổ nhạc. Từ năm 1987, khi còn là sinh viên trên ghế trường Đại học Mỏ - Địa chất, bài thơ đầu tay mang tên “Con đê và dòng sông” của anh đã được NSƯT, nhạc sĩ Trần Tựa (hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) thổi hồn âm nhạc thành bài hát “Sông ơi có biết” vào năm 2016.
Nhiều ca sĩ như Nguyễn Thị Thu Thủy (quán quân Sao mai 2017), NSƯT Thanh Bình, ca sĩ Mỹ Hà, ca sĩ Anh Thơ đã hát bài này. Sức hút của bài thơ lớn đến nỗi nhạc sĩ Trần Ngọc tiếp tục lựa chọn để làm mới bằng chất liệu dân gian đương đại và được ca sĩ Thanh Thảo (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) thể hiện rất thành công.
Không phải ngẫu nhiên mà anh sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất lại làm thơ. Sinh ra và lớn lên tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), văn hóa làng quê thấm đẫm vào tâm hồn anh, đã gieo những mầm văn chương đầu tiên. Tuy nhiên, lúc ấy, ngay từ khi chưa đi học tiểu học, anh chỉ đọc các bài đồng dao cho cả nhà nghe. Rồi khi vào lớp chuyên, trường THPT Tĩnh Gia 1, Ngọc Lê Ninh là học sinh giỏi nhiều môn, trong đó có Văn học.
Các cô giáo dạy Văn rất muốn anh đi thi Văn nhưng anh lại thích khoa học tự nhiên. Khi vào học trường Đại học Mỏ - Địa chất, anh may mắn nhiều lần được theo chân các bậc đàn anh nổi tiếng như Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến đi đọc thơ khắp các trường đại học. Lúc này, những “hạt mầm” neo đậu trong tâm hồn anh xưa kia bắt đầu cựa quậy, đâm chồi. Bút danh Ngọc Lê Ninh của anh cũng chính là do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đặt bằng cách đảo chữ đệm lên đầu mà thành.
Trong lĩnh vực khoa học, tiến sĩ Lê Ngọc Ninh thành công bao nhiêu thì trên “cánh đồng” thơ, Ngọc Lê Ninh cũng gặt hái được “quả ngọt” bấy nhiêu. Anh là nhà khoa học có tiếng với học vị tiến sĩ, là chuyên gia về khoan nổ mìn - khai thác mỏ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Anh từng nhận nhiều giải thưởng về khoa học trong đó có giải VIFOTEC Việt Nam lần thứ 10 (năm 2009) về công nghệ nổ mìn thân thiện và các giải về công trình nghiên cứu xử lý rác thải làm sạch môi trường.
Các bài thơ của Ngọc Lê Ninh cũng xuất hiện trên khắp các báo, đặc biệt là báo Văn Nghệ và Thanh Niên. Nhà văn Sương Nguyệt Minh từng nhận xét: “Thơ Ngọc Lê Ninh phong phú, đa dạng cả vấn đề phản ánh và cách nhìn hiện thực đầy ưu tư thế cuộc. Dù có những băn khoăn triết lý nhân sinh và nỗi buồn kiếp người, nhưng thơ tình vẫn da diết, cái tình mênh mông “thư viện lưu không hết nổi” hay là nỗi giày vò tiếc nuối: “Ta nhớ mãi lỗi lầm trong mưa bão / Làm buồn đau sạt lở những ngày xanh”…
Không những thế, nhà văn của “Miền hoang” còn “gọi tên” được điều mới lạ trong thơ của anh: “Trong lao động nghệ thuật, nhà thơ Ngọc Lê Ninh rất có ý thức lạ hóa ngôn ngữ. Đó là bản chất của người sáng tạo luôn đi tìm cái mới, cái lạ, cái không thông thường”. Ông chỉ ra rất nhiều những khái niệm, hình ảnh, những cụm từ rất thơ và cũng rất đời song không giống ai. Đó cũng là một trong các yếu tố làm nên gương mặt thơ riêng Ngọc Lê Ninh để nhiều năm anh góp mặt trên Sân thơ Trẻ tại Ngày thơ Việt Nam.
“Khi tình yêu vùng dậy / Đêm vỡ tan thành ngày / Gió vùng vằng đôi tay / Cuống cuồng ngàn lá đổ / Hì hục con sóng vỗ / Đứt mình hòn đá trôi…” hay “Đêm mất ngủ bên dòng sông đầy nước / Hồn sóng kia lưu lạc ở phương nào / Nghe cát sỏi đầu thai vào kiếp khác / Mất sông rồi, tôi khóc vỡ chiêm bao” (Thơ mất ngủ - 2017)…
Những vần thơ ấy không chỉ có sức lay động độc giả trong nước mà còn lan tỏa cả đến độc giả ngước ngoài. Ngọc Lê Ninh có 10 bài thơ dịch ra tiếng Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và được đăng trên các báo và tạp chí của các nước. Mới đây anh đã đoạt giải thơ của Hội Nhà văn quốc tế năm 2019 - IWA BOGDANI.
Bí quyết để hoàn thành tốt cả hai vai trò tiến sĩ và thi sĩ của Ngọc Ninh Lê được anh chia sẻ rất chân thành: “Tôi xác định trong cuộc đời có hai tâm hồn tách biệt nhau hoàn toàn. Một bên luôn tận tụy nghiên cứu khoa học. Một bên là thơ. Thời gian nghiên cứu khoa học và quản lý chiếm đến ¾ rồi nên chỉ còn ¼ dành cho thơ. Tôi hay làm thơ vào lúc nửa đêm, đến 2 - 3h sáng bắt đầu ngủ. Hoặc khi nào stress quá, cần giải tỏa tinh thần thì thơ sẽ đến”.
Anh may mắn có sự ủng hộ tuyệt vời từ gia đình và bạn bè văn chương như nhà lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng, Văn Giá, Đỗ Anh Vũ, Trần Nhật Minh, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến, nhà văn Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Trường… Ngoài ba tập thơ “Vỡ cùng hy vọng”, “Chưa thể đặt tên”, “Hạt mưa thầm” một “đứa con tinh thần” mới cũng sắp được anh trình làng mang tên “Đôi mắt thời @4.0. Biển xanh”.
Với phong cách ngôn ngữ rất tuổi teen dành cho thanh thiếu niên, hy vọng đây tiếp tục là một thành công mới của tiến sĩ, thi sĩ trên cánh đồng văn chương của mình.