Tiếp tục nâng cao cảnh giác để đề phòng hỏa hoạn
Bài học đau xót từ "giặc lửa", phải siết chặt quản lý nhà trọ Cần nắm vững kỹ năng thoát nạn an toàn khi xảy ra hoả hoạn Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy tại phố Trung Kính |
Khẩn trương, kịp thời và nghĩa tình
Xuyên đêm và rạng sáng 24/5, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã nỗ lực cứu nạn, cứu hộ vụ cháy nhà trọ nằm sâu trong ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Các đồng chí: Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy, Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố và Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an đến hiện trường vụ cháy từ sớm |
Công an thành phố đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố và Công an quận Cầu Giấy, lực lượng Cảnh sát 113 Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Trung Hòa khẩn trương đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Lực lượng chức năng làm việc xuyên đêm |
Sáng 24/5, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng điều hành Bộ Công an... lãnh đạo Công an thành phố và Bí thư, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã trực tiếp có mặt tại hiện trường và hội ý nhanh tại UBND phường Trung Hòa để chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp UBND quận Cầu Giấy tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân, khắc phục hậu quả sau vụ cháy, mức 50 triệu đồng đối với người tử vong, 30 triệu đồng đối với người bị thương, thực hiện ngay trong sáng 24/5.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại hiện trường vụ cháy |
Trao đổi với lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các lực lượng chức năng thành phố, cấp ủy, chính quyền quận, phường tập trung cứu chữa người bị thương và khắc phục hậu quả; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho các hộ dân; Công an thành phố bảo vệ hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân.
Như vậy, lãnh đạo Trung ương và Hà Nội cũng đã rất nhanh chóng, kịp thời quan tâm, chỉ đạo sát sao với việc khắc phục hậu quả của đám cháy. Đồng thời, việc hỗ trợ các hộ dân, nhất là nạn nhân trong vụ cháy cũng được động viên, quan tâm ngay lập tức để họ sớm ổn định sức khỏe, tinh thần và cuộc sống.
Cảnh giác hơn nữa với mọi nguy cơ
Để xảy ra hỏa hoạn là điều không ai mong muốn, nhất là khi chúng ta có thể đề phòng, nâng cao cảnh giác và nhất là ý thức phòng cháy, chữa cháy để giảm thiểu các nguy cơ.
Với thời tiết bắt đầu vào những tháng căng thẳng của mùa hè, nhu cầu dùng điện tăng cao, mọi đồ vật đều có thể tăng nhiệt, mỗi người dân càng cần phải có ý thức bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh.
Luôn cảnh giác, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho bản thân và những người xung quanh (Ảnh minh họa) |
Trước hết, chúng ta phải cảnh giác với tất cả mọi nguy cơ có thể xảy ra. Đơn giản chỉ như là chiếc xe máy, nếu phải di chuyển ngoài trời vào lúc tan tầm hay giữa trưa nắng trong khoảng thời gian dài, toàn bộ xe đều tăng nhiệt rất cao.
"Trong cốp xe nóng hầm hập như cái lò mà lại để khá nhiều thứ lằng nhằng như tài liệu, áo mưa, áo chống nắng... vừa có "tác dụng phụ" như những vật để ủ khiến nơi này như cái hộp giữ nhiệt vừa rất dễ cháy. Bao giờ đi về nhà tôi cũng dựng yên xe lên, để cốp thoáng và tản nhiệt bớt đi, như vậy vừa bền xe vừa tránh nguy cơ cháy nổ", chị Hoàng Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Lâm (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết cứ vào đầu mùa hè là anh gọi thợ đến bảo dưỡng dàn lạnh và dàn nóng của điều hòa. Cùng với việc loại bỏ bụi bẩn, kiểm tra các mối nối điện tiếp xúc với tường, hoạt động này vừa giúp giảm tiêu thụ điện năng, điều hòa mát hơn và tránh được cháy, chập.
Bà Thu Hồng (Long Biên, Hà Nội) thì luôn cẩn thận với các ổ cắm của cây nước nóng, bình siêu tốc, máy giặt, TV, máy sấy tóc và đặc biệt là những nơi cố định, không bao giờ rút ra vì tự động như máy bơm, tủ lạnh... Một nơi bà cũng vô cùng lưu ý chính là chiếc bếp từ.
Bà Hồng nêu kinh nghiệm: "Ở bếp từ và hồng ngoại bao giờ cũng có bộ phận tản nhiệt, quạt hết gió đến khi bếp nguội mới tắt. Nếu ai đó tiết kiệm điện mà ngắt luôn cầu dao điện của bếp sau khi nấu thì bộ phận này không hoạt động được, vừa gây hỏng bếp mà còn có thể dẫn đến cháy".
Bên cạnh đó, mùa hè là mùa mưa bão, mưa to gió lớn, cây đổ, nước ngập... đều dẫn đến nguy cơ chập điện, cháy nổ. Đặc biệt tại những khu nhà trọ hoặc các ngõ nhỏ nhà cửa san sát nhau, người dân khi lắp đặt dàn nóng của điều hòa cũng cần phải lưu ý tránh chĩa vào nhà nhau, đặt quá sát nhau vừa gây mất đoàn kết vừa có thể dẫn đến cháy lan.
Người dân luôn luôn quan sát, lưu tâm và thực hiện ngay các biện pháp với những nguy cơ có thể dẫn đến cháy nổ như rút các thiết bị điện như máy sấy tóc, dây cắm loa, sạc pin... là điều vô cùng cần thiết. Song, một điều không kém phần quan trọng nữa là lắp đặt những thiết bị báo cháy, báo khói để cảnh báo khi có hỏa hoạn.
Bên cạnh đó mỗi người, mỗi nhà cần phải để mở những lối thoát hiểm, chú ý lựa chọn những nơi ở có thể thoát hiểm, nếu nhà cao tầng thì trang bị thêm những thiết bị như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thang dây cùng những kĩ năng phòng cháy, chữa cháy cho bản thân và gia đình.
"Phòng cháy hơn chữa cháy", cảnh giác, phát hiện để khắc phục nguy cơ là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho mình và mọi người xung quanh.
Trong khi đó, việc phát hiện sớm, khắc phục ngay sẽ giúp cho việc chữa cháy hiệu quả hơn, giảm thiểu những thiệt hại về người và của.
Do đó, trong mùa nắng nóng dần đến cao điểm này, mỗi người dân Hà Nội cần cảnh giác cao độ và đặt ý thức phòng cháy, chữa cháy lên hàng đầu.