Tín dụng đen – nỗi ám ảnh khi người dân sập bẫy
Kiên quyết dẹp bỏ tệ nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi Phải đi bán dâm để trả tiền "bốc" 12 "bát họ" Triệt phá ổ nhóm tín dụng đen hoạt động trong mùa dịch |
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, TBT báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển chủ trì Hội thảo |
Chủ trì Hội thảo có Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển, đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Ngân hàng chính sách xã hội; Hiệp hội Ngân hàng, Cục Sảnh sát hình sự (Bộ Công an); Ngân hàng BIDV tham dự.
Trong bối cảnh thực thế tình trạng tín dụng đen hoạt động phức tạp trong thời gian qua để lại những hệ lụy khôn lường cho những người không may sập bẫy. Hội thảo được tổ chức nhằm tuyên truyền cảnh báo người dân về nguy cơ và các hệ lụy khi “nhắm mắt” vay tín dụng đen, đồng thời cùng các chuyên gia tài chính, lực lượng an ninh và các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp để nhận diện và phòng ngừa tội phạm về tín dụng đen.
Tổng Biên tập Báo Lao động - Nguyễn Ngọc Hiển phát biểu tại Hội thảo |
Thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” tồn tại ở nhiều địa phương với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân vẫn còn tâm lý e ngại vay vốn ngân hàng vì cho rằng sẽ gặp nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp. Nhu cầu của người dân là vay tiền nhanh, thời hạn ngắn, thủ tục nhanh gọn và không muốn thế chấp tài sản… chính vì vậy những hoạt động tín dụng đen lại càng nở rộ.
Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, song hình thức cho vay tín dụng đen biến tướng khó lường của các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật khiến tình hình càng phức tạp hơn.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết, cả nước hiện có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Chưa đầy 2 năm, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỉ đồng.
Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Đồng thời, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Gồm các tội danh: Giết người; Cố ý gây thương tích; Làm nhục người khác; Bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Xâm phạm chỗ ở người khác; Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản; Gây rối trật tự công cộng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.
Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng phòng trọng án, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an thuyết trình tại Hội nghị |
Những con số đó cho thấy thực trạng nhức nhối mà các đối tượng cho vay tín dụng đen hoặc các hình thức biến tướng như tín dụng đen đang gây ra và đang bị siết chặt xử lý.
Tại Hội thảo, đại diện FE CREDIT cho biết: “Một trong những nguyên nhân đầu tiên và cơ bản đó là trong khi việc tiếp cận những dịch vụ tín dụng từ hệ thống ngân hàng còn nhiều rào cản, thì việc tiếp cận với “tín dụng đen” lại quá dễ dàng với người dân. Các hình thức quảng cáo cho vay tín dụng đen xuất hiện tràn lan và dễ dàng nhận thấy tại bất cứ đâu: trên các trụ điện, trong các hàng quán, trong chợ, bến xe… Cách thức cho vay tín dụng đen cũng quá dễ dàng, chỉ cần giấy viết tay hoặc thỏa thuận miệng nhưng lãi suất và cách thu hồi nợ lại khiến người vay lâm cảnh khốn cùng.
Song song đó, độ phủ thông tin về cho vay tiêu dùng an toàn, minh bạch, tin cậy lại chưa đủ sâu rộng để người tiêu dùng hiểu rõ và sử dụng dịch vụ tiện ích này như một phương tiện hợp pháp, thuận tiện cho chính họ”.
Thực tế, các kênh kết nối người dân có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức không thiếu, song do chưa được tuyên truyền rộng rãi nên khó cạnh tranh với mạng lưới quảng cáo từ mạng xã hội đến cột điện, bờ tường… của những đối tượng cho vay tín dụng đen. Ví dụ như Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã triển khai Cổng thông tin kết nối khách hàng vay tại địa chỉ https://cic.gov.vn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay một cách đơn giản, dễ dàng.
Cổng thông tin kết nối khách hàng vay được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 6/2019, ứng dụng trên nền tảng website và điện thoại thông minh, với hai chức năng chính: Cung cấp báo cáo thông tin tín dụng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Đây là kênh kết nối cung cầu tín dụng giữa người dân, doanh nghiệp với tổ chức tín dụng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia tài chính, đại diện các tổ chức tài chính vi mô, đại diện Bộ Công an và đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các thực trạng, đồng thời đề xuất các giải pháp cần thực hiện để ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Quan trọng nhất, các đại biểu cùng thống nhất, cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân nhận diện bẫy tín dụng đen và chỉ ra các kênh tiếp cận cho vay tài chính tiêu dùng hợp pháp, thuận tiện và minh bạch.
Kiên quyết dẹp bỏ tệ nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi |
Phải đi bán dâm để trả tiền "bốc" 12 "bát họ" |
Triệt phá ổ nhóm tín dụng đen hoạt động trong mùa dịch |