Tin nhau cho xuất hóa đơn ghi nhận doanh số, giờ kiện nhau thành công nợ
Sở dĩ vụ kiện kéo dài là bởi lẽ, Posco VST không chứng minh được nguồn gốc số nợ hơn 58 tỷ đồng, còn Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Nam (Thành Nam) khẳng định: Hóa đơn luôn xuất trước khi giao hàng và trong đó có những hóa đơn được xuất vì… tạo điều kiện cho Posco giải quyết áp lực về doanh số.
Ký kết hợp đồng để …. cho vui
Các thông tin liên quan tới sự việc này trong thời gian qua cho thấy, Thành Nam đang nợ Posco VST hơn 58 tỷ đồng. Khoản nợ xuất phát từ hoạt động mua bán hàng hóa giữa Thành Nam và Posco trong giai đoạn từ 2010 – 2013. Posco VST cho rằng công nợ được phát sinh từ biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013.
Tuy nhiên, Thành Nam luôn khẳng định đây là khoản nợ không có thật. Theo quy trình mua bán hàng hóa trong hợp đồng đã ký giữa hai bên, Posco VST sẽ xuất hóa đơn trước rồi mới giao hàng sau.
Trong khi đó, biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013 cho thấy khoản nợ hơn 58 tỷ đồng được tính toán dựa trên các hóa đơn đã xuất chứ không dựa vào các biên bản giao hàng thực tế.
Quy trình thể hiện tại Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên. |
Vì trong quá trình mua bán hàng hóa, sau khi Thành Nam và Posco VST ký hợp đồng, Thành Nam đặt cọc tiền, Posco VST sản xuất hàng hóa. Sau khi sản xuất xong Posco VST gửi Thành Nam danh sách hàng hóa, căn cứ vào đây Thành Nam gửi kế hoạch lấy hàng, sau đó Posco xuất hóa đơn, sau khi xuất hóa đơn Thành Nam phải thanh toán toàn bộ số tiền trước hoặc làm bảo lãnh ngân hàng sau đó Posco mới giao hàng.
Và dù đi kiện, nhưng Posco VST lại không đưa ra được chứng cứ về việc đã giao hàng cho Thành Nam, mà chỉ dựa vào các biên bản xác nhận công nợ theo hóa đơn, các công văn về tiến độ thanh toán của Thành Nam để khởi kiện.
Được biết, Posco VST và công ty Thành Nam là 2 đối tác có mối quan hệ với nhau lâu năm (từ 2006 – 2013) mỗi năm Posco VST bán cho Thành Nam số tiền hàng lên tới nghìn tỷ đồng. Những năm 2012-2013, do gặp áp lực về ghi nhận doanh số để báo cáo về Tập đoàn nên Posco VST đã xuất một lượng lớn các hóa đơn mà không quan tâm tới tình trạng hàng hóa và khả năng giao hàng.
Chỉ trong ngày 30/11/2012 Posco VST đã xuất 53 Hóa đơn GTGT cho Thành Nam tương đương số tiền là 33.330.659.405 đồng; Trong ngày 30/3/2013: Posco VST xuất 32 Hóa đơn GTGT cho Thành Nam tương đương với số tiền là 9.850.655.112 đồng. Riêng ngày 29/4/2013, Posco VST xuất đến 64 Hóa đơn GTGT cho Thành Nam tương đương với số tiền là 26.316.132.074 đồng.
Với số lượng hàng hóa và giá trị hóa đơn lớn bất thường vào cùng thời điểm như thế này, không hiểu trên thực tế Thành Nam có khả năng thanh toán và Posco có năng lực, khả năng giao kịp số hàng hóa này hay không?
Công ty Posco (nguồn internet) |
Đại diện Thành Nam cho biết: Nhận thấy có lượng hóa đơn mà Posco xuất quá lớn so với thực tế nên sau ngày 27/11/2013, khi kế toán trưởng hai bên xác nhận số nợ hơn 58 tỷ đồng dựa vào hóa đơn, Thành Nam đã thường xuyên đề nghị Posco ngồi lại cùng rà soát để xác định công nợ thực tế.
Ôm rủi ro khi thiếu kinh nghiệm làm việc với các đối tác lớn
Vì muốn làm ăn với các đối tác lớn, Thành Nam chấp nhận cả việc cho doanh nghiệp xuất hóa đơn nhưng không đi kèm với thực tế giao hàng. Và thời điểm này Thành Nam đang trở thành “bị đơn” của một vụ kiện thanh toán nợ.
Thành Nam có nhà máy gia công thép dây chuyền hiện đại tại Hưng Yên |
Câu chuyện Thành Nam bị Posco VST khởi kiện đòi nợ từ việc mua bán hàng hóa như trên lại một lần nữa nhắc lại cho các doanh nghiệp Việt Nam một bài học đắt giá về sự thiếu chuyên nghiệp, cảm tính trong kinh doanh. Việc xuề xòa, xem nhẹ các nguyên tắc thỏa thuận trong các hợp đồng kinh tế với đối tác sẽ khiến các doanh nghiệp dễ vướng vào tình huống dở khóc dở cười như Thành Nam.