Tin tức thế giới 19/3: Người lớn tuổi có nguy cơ tái mắc Covid-19 cao hơn
Tin tức thế giới hôm nay có những tin chính sau:
New Zealand ghi nhận mức suy giảm kinh tế kỷ lục trong năm 2020
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế New Zealand đã ghi nhận mức giảm kỷ lục: 2,9% trong năm 2020.
Kết quả tiêu cực trên phần lớn là do chính sách đóng cửa, với mức cảnh báo ở cấp độ 4 vào đầu năm 2020.
Biện pháp mạnh của Chính phủ New Zealand từ tháng 3 - 4/2020 đã góp phần giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 với chỉ 26 trường hợp tử vong trong tổng dân số 5 triệu dân.
Tuy nhiên, các biện pháp trên đã đưa nước này vào cuộc suy thoái đầu tiên trong một thập niên trước khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trở lại với mức tăng trưởng 13,9% trong quý 3/2020.
Người lớn tuổi có nguy cơ tái mắc Covid-19 cao hơn
Theo kết quả của một công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí The Lancet ngày 18/3, hầu hết những người đã mắc Covid-19 sẽ được bảo vệ khỏi tái mắc bệnh này trong ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, những người cao tuổi có nguy cơ bị tái lây nhiễm cao hơn người trẻ tuổi.
Công trình nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập được thông qua chiến lược xét nghiệm quốc gia tại Đan Mạch trong năm 2020.
Ảnh minh họa |
Hơn 67% dân số Đan Mạch, tương đương 4 triệu người, đã được xét nghiệm trong năm 2020. Kết quả cho thấy hơn 0,5% những người từng mắc Covid-19 trong làn sóng dịch đầu tiên kéo dài từ tháng 3 - tháng 5/2020 đã tái dương tính với virus này trong đợt bùng phát dịch thứ 2, từ tháng 9 - tháng 12/2020.
Trong số đó, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng khả năng những người trên 65 tuổi được bảo vệ trước nguy cơ tái lây nhiễm là 47%, trong khi tỷ lệ này đối với người trẻ hơn là 80%.
Trong số hơn 9.000 người dưới 65 tuổi mắc Covid-19 trong làn sóng dịch thứ nhất, 55 người, tương đương 0,6%, tái nhiễm trong đợt dịch thứ hai.
Trong số hơn 1.900 người trên 65 tuổi bị mắc Covid-19 trong làn sóng dịch thứ nhất, thì có 17 người, tương đương 0,88% tái lây nhiễm trong làn sóng dịch thứ hai.
Thái Lan phát động chiến dịch “Made-in-Thailand”
Mới đây, chính phủ Thái Lan phát động một chiến dịch mới nhằm thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm sản xuất nội địa trong các dự án của nhà nước với hy vọng tạo ra giá trị kinh tế nội địa vào khoảng 1.770 tỷ baht (57,5 tỷ USD).
Kế hoạch mới này, có tên gọi là Sản xuất tại Thái Lan (Made-in-Thailand), được đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thông qua các dự án mua sắm nhà nước.
Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết các nhà máy và công nhân cũng sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Theo Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Suriya Jungrungreangkit, có tới 60.000 nhà máy đã đăng ký với Bộ Công nghiệp và có khoảng 5 triệu công nhân được tuyển dụng trong các nhà máy và các doanh nghiệp SME.
Ông kỳ vọng chương trình này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của Thái Lan vào các sản phẩm nhập khẩu, đồng thời khẳng định kế hoạch đó không phải là một rào cản thương mại, mà là để hỗ trợ các sản phẩm địa phương.