Tin tức thế giới ngày 13/10: Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại 28 ngày trên điện thoại di động, tiền giấy
Tin tức thế giới hôm nay có những tin chính sau:
Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại 28 ngày trên kính, tiền giấy
Các nhà nghiên cứu Australia mới đây đã phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 có thể tồn tại trên các bề mặt như tiền giấy, kính và thép không gỉ, điện thoại di động lên đến 28 ngày, lâu hơn virus cúm (khoảng 17 ngày).
Kết quả của cũng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể duy trì khả năng lây nhiễm trong môi trường nhiệt độ thấp. Các thí nghiệm được thực hiện trong môi trường được kiểm soát ở nhiệt độ 20, 30 và 40 độ C cho thấy thời gian sống sót của virus SARS-CoV-2 sẽ giảm đi khi nhiệt độ tăng lên.
Ảnh minh họa |
Theo các tác giả, kết quả này sẽ giải thích cách virus SARS-CoV-2 lây lan trong các cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh, từ đó giúp giải quyết vấn đề này hiệu quả hơn. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những thói quen tốt như rửa tay và thường xuyên khử khuẩn các bề mặt.
Nga nới lỏng quy định nhập quốc tịch cho người nước ngoài
Từ ngày 12/10, Nga sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp quyền công dân cho người nước ngoài có con cái mang hộ chiếu Nga.
Theo đó, luật mới tạo điều kiện để người nước ngoài trở thành công dân Nga với thủ tục đơn giản hơn, không yêu cầu thời gian cư trú tối thiểu, nếu họ có con cái khỏe mạnh mang hộ chiếu Nga. Điều này thay đổi hoàn toàn với điều khoản trước đó chỉ tạo điều kiện không cần thời gian cư trú tối thiểu với người có con cái khuyết tật.
Bên cạnh đó, một số hạn chế đối với đăng ký thủ tục trở thành công dân Nga sẽ được loại bỏ với người nước ngoài nói tiếng Nga.
Công dân nước ngoài và những người không có quốc tịch khi đăng ký xin hộ chiếu Nga sẽ phải trải qua quá trình phân tích dấu vân tay. Biện pháp này nhằm mục đích đảm bảo an ninh quốc gia của Nga và ngăn chặn những cá nhân có liên quan đến khủng bố xâm nhập vào lãnh thổ Nga.
Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có trên 300.000 người nước ngoài được nhận quốc tịch Nga, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải Nobel Kinh tế thuộc về hai nhà khoa học Mỹ
Mùa giải Nobel 2020 đã kết thúc với giải Nobel Kinh tế thuộc về hai nhà kinh tế học người Mỹ là Paul R.Milgrom và Robert B.Winson với nghiên cứu về lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới.
Hai nhà khoa học người Mỹ đạt giải Nobel Kinh tế 2020 (Ảnh: AP) |
Hai nhà kinh tế R.Milgrom (72 tuổi) và B.Winson (83 tuổi) đã nghiên cứu cách thức hoạt động của các cuộc đấu giá. Họ cũng đã vận dụng những hiểu biết của mình để thiết kế các hình thức đấu giá mới dành cho các loại hàng hóa và dịch vụ gặp khó khăn khi được bán theo cách truyền thống, như tần số vô tuyến. Nghiên cứu của họ đã mang lại lợi ích cho người bán, người mua và những người nộp thuế trên khắp thế giới.
Khác với 5 giải Nobel còn lại được đặt ra theo nguyện vọng của nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895, giải Nobel Kinh tế là giải thưởng do Ngân hàng trung ương Thụy Điển đặt ra và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng niệm Alfred Nobel.
Những người đoạt giải Nobel Kinh tế là do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển bầu. Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế được trao cho ba nhà khoa học Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer với nghiên cứu về cách tiếp cận thực nghiệm trong việc giảm nghèo toàn cầu.