Tin tức trong ngày 10/8: Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax
Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản ngày 1/8/2021 của GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe trung ương, kiến nghị về việc cấp phép sử dụng vắc xin trong tình huống khẩn cấp.
Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý kiến như sau: Đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.
Thủ tướng chỉ đạo về việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax |
Vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax được Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Vắc xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/-2020 và giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), vắc xin Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và đang thực hiện đánh giá 3 yếu tố, gồm tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trên tình nguyện viên Việt Nam từ 18 tuổi trở lên.
Trong đó, giai đoạn 3a tiêm cho 1.000 đối tượng, đánh giá giữa kỳ tính an toàn, tính sinh miễn dịch, tỷ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vắc xin trên nhóm tiêm giả dược là 6:1. Giai đoạn 3b được tiêm trên 12.000 người, tỷ lệ tiêm cho nhóm tình nguyện viên vắc xin trên nhóm tiêm giả dược là 2:1.
Dự kiến, trước ngày 15/8 sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a. Trên cơ sở này, các cơ quan liên quan sẽ rà soát để có dữ liệu ban đầu về tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin giai đoạn 3a.
Số tiền điện được giảm đợt 4 tại Hà Nội khoảng 530 tỷ đồng
Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) thông tin, tính đến hết tháng 7/2021, EVNHANOI đã giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo tinh thần Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ, là gần 1.295 tỷ đồng. Ước tính, tổng số tiền điện giảm trong đợt 4 này trên địa bàn Hà Nội là khoảng 530 tỷ đồng.
Theo EVNHANOI, việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt này áp dụng cho 2 đối tượng khách hàng.
Đối tượng thứ nhất là khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại Thủ đô với mức hỗ trợ giảm giá điện cụ thể là giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng; giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng.
Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện trong 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 8 và tháng 9/2021.
Số tiền điện được giảm đợt 4 tại Hà Nội khoảng 530 tỷ đồng |
Đối tượng thứ hai, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian có người đang thực hiện cách ly y tế, đáp ứng các điều kiện: Doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 không thu chi phí hoặc có thu một số khoản chi phí của người phải cách ly quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ; mua điện trực tiếp từ EVNHANOI hoặc công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị bán lẻ điện khác.
Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021.
Kiểm soát 14.215 lượt người tại các chốt kiểm dịch
Theo Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19, Công an thành phố Hà Nội, từ 11h ngày 8/8 đến 11h ngày 9/8/2021, Công an thành phố đã rà soát 6.230 trường hợp trở về từ vùng dịch, đang cách ly, quản lý trên địa bàn, phát sinh mới trong ngày là 0 trường hợp. Thống kê, người nước ngoài tạm trú trên địa bàn Hà Nội là 49.920 người.
Tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra - vào thành phố, đã kiểm soát 11.503 lượt phương tiện (trong đó có 85 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 14.215 lượt người qua chốt. Yêu cầu 2.100 lượt phương tiện quay đầu xe không vào thành phố; 777 lượt phương tiện quay đầu xe không ra ngoài thành phố.
Công an thành phố đã rà soát 6.230 trường hợp trở về từ vùng dịch |
Công an thành phố đã phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch 804 trường hợp, xử phạt hơn 1,24 tỷ đồng. Trong đó, không đeo khẩu trang nơi công cộng là 52 trường hợp, xử phạt 77 triệu đồng, 3 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh, xử phạt 65 triệu đồng. Ngoài ra, phát hiện 749 trường hợp không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách…, xử phạt gần 1,1 tỷ đồng.
Trong ngày đầu tiên thực hiện yêu cầu mới của UBND thành phố Hà Nội về việc ra đường phải bổ sung một số giấy tờ cần thiết như lịch trình làm việc…, cán bộ, chiến sĩ tại các chốt trực đã hướng dẫn hàng nghìn lượt nhân dân cần gấp rút bổ sung, hoàn thiện các giấy tờ theo yêu cầu, hướng dẫn phối hợp cùng lực lượng chức năng chung tay, phòng, chống dịch.
Cũng trong ngày 9/8, ghi nhận tại 3 chốt kiểm dịch của Công an thành phố thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, đã phát hiện 1 xe khách chở quá số người quy định, gần 20 trường hợp đi bộ trên quốc lộ 18 và 1 xe tải chở thiết bị y tế không rõ nguồn gốc bàn giao cho Công an huyện Sóc Sơn xử lý.