Tin tức trong ngày 15/1: Trưng bày đoàn tàu tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cho người dân tham quan
Tin tức trong ngày 22/12: Đường sắt Sài Gòn giảm giá 50% vé tàu trong tháng 1/2021 Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư khen các đơn vị phát hiện, bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng |
Trưng bày đoàn tàu tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cho người dân tham quan
Thông tin từ Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đến cuối năm 2020, dự án đầu tư xây dựng 12km tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt gần 67,5% tiến độ tổng thể.
Từ tháng 10/2020 đến nay, đoàn tàu đầu tiên của dự án và 2 máy đào hầm TBM (Thần tốc và Táo bạo) đã được vận chuyển về dự án. Đoàn tàu thứ 2 đang trên đường vận chuyển từ Pháp về nước và sẽ cập cảng Hải Phòng vào cuối tháng 1/2021. 8 đoàn còn lại đang tiếp tục được sản xuất, thử nghiệm để bắt kịp tiến độ khai thác trước đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022.
Dự án sẽ sử dụng 10 đoàn tàu vận hành liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435mm), thân xe sử dụng vật liệu hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, được chế tạo tại Pháp.
Đoàn tàu là một trong những sản phẩm hiện đại nhất của Alstom, trang bị đầy đủ các tiện nghi như: Điều hòa không khí, thông gió, hệ thống phát thanh hành khách, hệ thống camera, hệ thống phát hiện cháy và khói độc lập, đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm...
Dự kiến giữa tháng 2/2021, đoàn tàu của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ được vận chuyển lên ga trên cao S1 - trước Đại học Công nghiệp Hà Nội để trưng bày cho người dân tham quan. |
Nội thất bên trong tàu với các gam màu sáng cùng hệ thống đèn LED ánh sáng trắng sẽ luôn tạo cảm giác thoáng đãng, mang đến sự thoải mái, dễ chịu cho hành khách khi ở trên tàu.
Đoàn tàu còn sử dụng giải pháp tín hiệu điều khiển tàu CBTC (Communication-Based Train Control) có tên URBALIS, là giải pháp tiên tiến nhất của Alstom với các ưu điểm như: Cấu trúc hệ thống điều khiển linh hoạt; Tối ưu hóa độ an toàn và bảo đảm việc cung cấp dịch vụ cho hành khách không bị gián đoạn.
Tàu có sàn thấp nên rất tiện lợi cho hành khách lên xuống, nhất là những người có mang hành lý hoặc phải di chuyển bằng xe lăn. Ngoài ra, trên tàu còn có những khu vực ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật, ghế dành cho người già, phụ nữ và trẻ em.
Dự kiến giữa tháng 2/2021, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, đoàn tàu của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển từ Depot lên ga trên cao S1 - trước Đại học Công nghiệp Hà Nội để trưng bày cho người dân tham quan.
Thành lập Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 11/1/2021 về việc thành lập Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội.
Theo quyết định, sáp nhập nguyên trạng viên chức, lao động hợp đồng và hồ sơ tài liệu viên chức, người lao động có liên quan của Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội chuyển về Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội.
Hà Nội thành lập Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội |
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, tổ chức trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích khu phố cổ Hà Nội và bảo vệ không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm; Thực hiện công tác thông tin, giới thiệu, quảng bá các giá trị khu phố cổ Hà Nội, lịch sử văn hóa Hồ Gươm; Tiếp nhận, quản lý và khai thác một số di tích, công trình kiến trúc cổ đã được tu bổ, trùng tu; Kêu gọi đầu tư và lập Quỹ bảo tồn khu phố cổ Hà Nội; Khôi phục lại các phố nghề, làng nghề, lễ hội truyền thống khu phố cổ Hà Nội…
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chủ trì, hướng dẫn duy trì, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn khu vực hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố cổ Hà Nội; Tổ chức thu phí và thực hiện dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan khu phố cổ, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố cổ Hà Nội theo quy định của Nhà nước và thành phố…
Trường ĐH cho sinh viên nghỉ Tết 49 ngày
Trường Đại học (ĐH) Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP HCM) vừa thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Theo đó, sinh viên từ năm thứ 2 đến năm 4 nghỉ từ 18/1 đến hết ngày 7/3 (6 tháng Chạp đến 24 tháng Giêng). Như vậy, sinh viên của trường ngày nghỉ Tết đến 49 ngày. Đối với sinh viên năm nhất, lịch nghỉ Tết từ ngày 1/2 đến ngày 1/3 (20 tháng Chạp đến 18 tháng Giêng).
Ảnh minh họa |
Trước đó, nhiều trường đại học cũng thông báo lịch nghỉ Tết dài đến gần 1 tháng. Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) cho sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 1/2 đến hết ngày 21/2 (tức 20 tháng Chạp đến 10 tháng Giêng). Tổng thời gian nghỉ là 22 ngày.
Trường ĐH Công nghệ TP HCM, sinh viên toàn trường sẽ nghỉ Tết đến 25 ngày, từ ngày 4/2/2021 (23 tháng Chạp năm Canh Tý) đến hết 28/2/2021 (17 tháng Giêng năm Tân Sửu).
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) cũng xếp lịch nghỉ Tết âm lịch 21 ngày từ 1/2/2021 đến hết 21/2/2021 (tức từ 20 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng năm sau).
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thông báo lịch nghỉ Tết toàn trường từ 1/2 (tức 20 tháng Chạp) đến hết 20/2/2021 (mùng 9 tháng Giêng).