Tin tức trong ngày 19/3: Hà Nội nghiên cứu bổ sung 3 phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9
Nghiên cứu bổ sung 3 phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản 137/TB-VP ngày 17/3/2021 thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 - Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Văn bản nêu rõ: Vị trí, thiết kế nhà ga ngầm C9 và tuyến ngầm Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cơ bản nằm trong vùng phụ cận, có một phần thân ga C9 và công trình phụ trợ nằm trong ranh giới khu vực bảo vệ (dưới ngầm) của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Hà Nội nghiên cứu bổ sung 3 phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ bảo đảm không gây ảnh hưởng bất lợi đối với khu vực bảo vệ các di tích.
Tuy nhiên, qua báo cáo, đánh giá các phương án điều chỉnh cho thấy, việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga ngầm C9 sẽ dẫn đến ảnh hưởng toàn hệ thống đường sắt đô thị (8 tuyến) và phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ các quy hoạch: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô theo quy định pháp luật. Đồng thời, phải tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, không bảo đảm kỹ thuật chạy tàu, làm tăng chi phí và phát sinh khiếu kiện phức tạp kéo dài, dẫn đến không bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện dự án đầu tư.
Để bảo đảm tính khả thi cũng như giảm tối đa ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án đầu tư, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu bổ sung theo 3 phương án:
Phương án 1: Nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ đối với loại hình đường sắt đô thị ngầm làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ II).
Phương án 2: Giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và các sở, ngành thành phố thống nhất, đã xác định trong quy hoạch Thủ đô, củng cố các văn bản pháp lý để UBND thành phố thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9.
Phương án 3: Giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách...
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu có phân tích, đánh giá ưu nhược điểm từng phương án, đề xuất báo cáo UBND thành phố xem xét trong tháng 3/2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Quy định mới về niêm yết giá vận tải hành khách bằng xe ô tô
Bộ Giao thông vận tải ngày 4/2/2021 đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, đơn vị, tổ chức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
Tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé đã kê khai theo mẫu quy định, lịch xe xuất bến của từng chuyến xe... |
Niêm yết tại quầy bán vé: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé đã kê khai theo mẫu quy định, lịch xe xuất bến của từng chuyến xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước theo Khoản 2, Điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 19 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: Tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải với kích thước tối thiểu chiều dài là 20cm và chiều rộng là 20cm, giá vé đã kê khai theo mẫu quy định theo Khoản 3, Điểm 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 4, Điều 19 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Niêm yết ở trong xe: Biển số đăng ký xe, giá vé đã kê khai theo mẫu quy định, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại di động đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, của Sở Giao thông - Vận tải nơi cấp phù hiệu, biển hiệu theo Khoản 4, Điểm 1, Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 4, Điều 19 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Thông tư 02/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 25/3/2021.
Hàng không đồng loạt tăng chuyến trên các đường bay nội địa
Vietnam Airlines công bố, từ ngày 28/3/2021, các doanh nghiệp trong Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Công ty Bay dịch vụ hàng không - VASCO sẽ tăng chuyến trên gần 30 đường bay nội địa, kết nối trực tiếp với 15 điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước.
Với kế hoạch tăng tần suất này, các đơn vị thuộc Vietnam Airlines Group sẽ bổ sung từ 280 đến 400 chuyến bay mỗi tuần, tương đương từ 56.000 đến 80.000 ghế vào mạng đường bay nội địa tới các thành phố lớn và điểm du lịch nổi tiếng, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Cam Ranh, Phú Quốc...
Hàng không đồng loạt tăng chuyến trên các đường bay nội địa |
Đáng chú ý, Vietnam Airlines sẽ tăng mạnh tần suất bay trên các đường giữa 8 điểm đến là Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và Phú Quốc.
Trong các dịp cao điểm, nhiều đường bay sẽ được khai thác với tần suất lên đến 14 chuyến/tuần hoặc ngày nào cũng có 2 đến 4 chuyến, như giữa Thanh Hóa, Hải Phòng và Đà Lạt; giữa Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cam Ranh; giữa Hải Phòng và Đà Nẵng…
Bốn đường bay giữa Hải Phòng, Đà Lạt, Vinh, Đà Nẵng và Phú Quốc, giữa Hải Phòng và Buôn Ma Thuột cũng được Vietnam Airlines khai thác trong dịp này với tần suất 6 đến 14 chuyến/tuần để đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Pacific Airlines sẽ tập trung tăng tải trên các đường bay từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các thành phố lớn và điểm du lịch nổi tiếng như giữa thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng thêm 4 chuyến/ngày; giữa thành phố Hồ Chí Minh và Cam Ranh, Phú Quốc, Quy Nhơn, Chu Lai, Vinh, Thanh Hóa mỗi đường bay thêm 2 chuyến/ngày; giữa Hà Nội và Đà Nẵng cũng được hãng khai thác trở lại với tần suất 2 chuyến/ngày.
Bên cạnh việc tăng thêm chuyến bay nội địa, Vietnam Airlines Group đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch như ưu đãi đồng giá 90.000 đồng/chiều (tương đương 579.000 đồng/chiều bao gồm thuế, phí) khi mua vé từ ngày 25/3 đến 28/3/2021.