Tin tức trong ngày 26/7: Người dân TP HCM không ra đường sau 18 giờ
Người dân TP HCM không ra đường sau 18 giờ
Quyết định được đưa ra tại Hội nghị Thành ủy TP HCM mở rộng tối 25/7, trong bối cảnh TP HCM đã trải qua 17 ngày giãn cách cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đã ghi nhận hơn 60.000 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư.
Từ 26/7, người dân TP HCM không ra đường sau 18 giờ |
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau một tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP HCM đã nêu 3 kịch bản. Dù cố gắng nhưng thành phố vẫn phải áp dụng biện pháp số 2. Trong tình hình hiện nay, nhiều khả năng phải áp dụng biện pháp của tình huống thứ 3.
Ngày 25/7, cả nước ghi nhận 7.525 ca nhiễm (giảm 1.700 so với hôm qua) trong đó, 6.009 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (giảm 788 ca), 1.516 ca đang điều tra dịch tễ (giảm 912 ca).
Số ca nhiễm trong ngày chủ yếu ở TP HCM 4.555 ca (giảm 841 ca so với hôm qua), tổng số ca nhiễm vượt 60.000. Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP HCM lên 60.425.
Hỗ trợ 229 người dân miền Trung đi xe máy từ TP HCM trở về địa phương
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ sáng sớm 25/7, các lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an huyện Phú Lộc cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tại huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có mặt tại đỉnh đèo Hải Vân để đón, hỗ trợ và giúp đỡ đoàn người quê ở các tỉnh Bắc Trung Bộ di chuyển từ TP HCM trở về quê tránh dịch bằng xe máy.
Theo Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, qua nắm danh sách, đoàn di chuyển từ TP HCM về các tỉnh Bắc Trung Bộ bằng xe máy gồm có 229 người. Trong đó, có 99 người quê ở Thừa Thiên - Huế và 130 người còn lại ở các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Trong đoàn phần lớn là nam thanh niên, chỉ có một số ít trẻ em, phụ nữ.
Đây là những người làm công nhân, làm thuê nhiều năm nay tại TP HCM. Một số người dân trở về cho biết, sau khi hỏi chính quyền nơi họ đang tạm trú điều kiện để được về quê, thì chính quyền yêu cầu đến cơ sở y tế xét nghiệm nếu có kết quả âm tính thì được về.
Sáng 23/7, số công nhân nói trên bắt đầu xuất phát từ TP HCM, đến gần 8 giờ tối 25/7 thì đến đỉnh đèo Hải Vân. Tại đây, nhiều người đã mệt lả, đuối sức sau khi di chuyển liên tục bằng xe máy hàng chục giờ đồng hồ. Nhiều người cũng không còn đủ lương thực, nước uống mang theo.
Lực lượng chức năng đã vận chuyển bằng xe ô tô người dân đến chốt kiểm soát y tế số 5 tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) để khai báo y tế |
Ngay khi vừa đến đỉnh đèo Hải Vân, chính quyền huyện Phú Lộc và lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kịp thời tiếp tế bánh mì, sữa, nước uống, trái cây... cho 229 công dân nói trên. Ngoài ra, nhiều người dân bán hàng quán trên đỉnh đèo chứng kiến cũng xúc động, đã chung tay hỗ trợ một số thực phẩm khác cho những người dân có nhu cầu.
Đến hơn 6 giờ sáng cùng ngày, toàn bộ số công dân này được lực lượng CSGT dẫn đường, hướng dẫn quay lại chốt kiểm soát y tế số 5 tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) để khai báo y tế. Lực lượng làm nhiệm vụ ở đây cũng đã được tăng cường để hỗ trợ người dân khai báo nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tiếp tục hành trình.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Đến 9 giờ 30 phút, 130 công dân ở các tỉnh Bắc miền Trung và phía Bắc sau khi khai báo y tế đã được CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn đường ra đến huyện Phong Điền (giáp với huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) để tiếp tục hành trình về quê. Nhiều người dân được CSGT phát thêm sữa, bánh mì, nước để mang theo sử dụng dọc đường”.
Riêng 99 công dân quê ở Thừa Thiên - Huế, sau khi khai báo y tế, đến trưa 25/7 đã được lực lượng chức năng vận chuyển bằng xe ô tô đến Khu cách ly y tế T6 - khu Ký trúc xá Trường Bia của Đại học Huế tại Hồ Đắc Di, phường An Tây (TP Huế) để cách ly tập trung 21 ngày tại đây.
Dừng thu phí tại các trạm BOT trên các tuyến đường thuộc địa bàn Hà Nội
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày 25/7, tất cả các trạm thu phí BOT trên các tuyến đường thuộc địa bàn Hà Nội đều đã dừng thu phí khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, các trạm thu phí BOT thuộc địa bàn Hà Nội đã dừng thu phí gồm: Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C (trạm cầu Văn Lang); Dự án xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài); Cao tốc Nội Bài - Lào Cai (trạm Km6).
Trước đó, ngày 24/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT và các nhà cung cấp dịch vụ thu phí nghiêm túc thực hiện việc dừng thu phí tại các trạm thu phí đóng trên địa bàn các địa phương đang phải giãn cách xã hội.
Thời gian dừng thu phí tính từ thời điểm địa phương công bố bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội cho đến thời điểm công bố dỡ bỏ giãn cách.