Tin tức trong ngày 28/6: Lái xe phải báo cáo chi tiết điểm dừng đón trả khách liên tỉnh
Lái xe phải báo cáo chi tiết về hành trình, điểm dừng đón trả khách liên tỉnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu sở giao thông - vận tải các địa phương tăng cường kiểm soát việc phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến xe khách cố định liên tỉnh.
Cụ thể, sở giao thông - vận tải các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải cập nhật liên tục vào phần mềm bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19; rà soát chặt chẽ các điểm dừng, đỗ và tuyệt đối không cho dừng, đỗ, đón trả khách tại các vùng có dịch hoặc tập trung đông người.
Lái xe phải báo cáo chi tiết về hành trình, điểm dừng đón trả khách liên tỉnh |
Lái xe phải báo cáo chi tiết về hành trình, điểm dừng đón trả khách, nhật trình tiếp xúc sau mỗi chuyến xe để bảo đảm truy vết. Đơn vị kinh doanh vận tải phải yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe khai báo y tế theo quy định; lập danh sách hành khách kèm theo địa chỉ, số điện thoại; niêm yết các khuyến cáo, hướng dẫn phòng, chống dịch trên phương tiện…
Trường hợp hành khách có biểu hiện sức khỏe khác thường hoặc xuất phát từ các vùng có dịch, lái, phụ xe phải thông báo ngay cho cơ quan kiểm soát, phòng, chống dịch nơi gần nhất để kịp thời xử lý.
Hà Nội: 100% người tâm thần chưa xác định nơi cư trú sẽ được trợ giúp xã hội
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND về thực hiện chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch nêu rõ những mục tiêu cụ thể của chương trình. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, hằng năm, ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; ít nhất 30% trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội; 85% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến…
Hằng năm, 100% người tâm thần nặng thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, có hành vi nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng; 100% người tâm thần lang thang chưa xác định được nơi cư trú được tiếp nhận, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội…
Hà Nội: 100% người tâm thần chưa xác định nơi cư trú sẽ được trợ giúp xã hội |
Giai đoạn 2026-2030, thành phố phấn đấu, hằng năm, khoảng 90% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; khoảng 40% trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội phù hợp tại cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội; 90% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến.
Hằng năm, 100% người tâm thần nặng thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, có hành vi nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng; 100% người tâm thần lang thang chưa xác định được nơi cư trú được tiếp nhận, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội…
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND thành phố sẽ thực hiện đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Từ đó, huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống...
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2021, đạt 91,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế
UBND thành phố Hà Nội ngày 24-6-2021 đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về tổ chức các hoạt động truyền thông Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7/2021) với chủ đề: “Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19”.
Theo đó, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố chỉ đạo tập trung truyền thông ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách, nhất là bảo hiểm y tế hộ gia đình; quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm khi đi khám, chữa bệnh; hướng dẫn các thủ tục kê khai tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh và chuyển tuyến khám, chữa bệnh...
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2021, đạt 91,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế |
Nêu bật vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong việc vận động, huy động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện tặng thẻ bảo hiểm cho người có hoàn cảnh khó khăn do không có khả năng tham gia bảo hiểm y tế.
Cùng với tuyên truyền nhận diện các hành vi vi phạm, những hình thức lạm dụng, trục lợi trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và mức độ xử lý đối với tổ chức, cá nhân…, các sở, ngành và chính quyền địa phương chỉ đạo tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong thực hiện chính sách bảo hiểm; những sáng kiến, sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thay đổi phương thức giám định, nâng cao hiệu suất, hiệu quả giám định, rút ngắn thời gian giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hướng tới sự hài lòng của người tham gia bảo hiểm y tế…
Thông qua công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân thành phố trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế trước tình hình dịch Covid-19. Từ đó, vừa thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Toàn thành phố Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2021, đạt 91,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế.