Tin tức trong ngày 5/11: Hà Nội công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ hữu sông Đà
Hành trình “Hà Nội nghĩa tình - Vì miền Trung ruột thịt” Hà Nội tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 |
Hà Nội công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ hữu sông Đà
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND về việc công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Đà trên địa bàn xã Thái Hòa, huyện Ba Vì
Khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, từ trạm bơm Đồng Cống đến hết khu vực dân cư thôn Phú Nhiêu ngoài bãi sông Đà, tiếp giáp với cầu Trung Hà hiện đang xảy ra tình trạng sụt bờ sông, có cung sạt lở sát đường giao thông. Hiện tượng trên gây hở hàm ếch, có nguy cơ sập tuyến đường giao thông liên thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông trên đường.
Khu vực bờ hữu sông Đà đang xảy ra hiện tượng sạt trượt |
Bên cạnh đó, sự cố còn làm ảnh hưởng đến ổn định, an toàn của người dân sinh sống ở bờ sông, trong đó có khu doanh trại quân đội ở phía trong tuyến đường và làm mất đất canh tác của nhân dân. Diễn biến sạt lở đang phức tạp, nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở, uy hiếp đến an toàn của tuyến đường giao thông và các hộ dân trong khu vực.
Để đảm bảo an toàn công trình và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, TP đã chỉ đạo UBND huyện Ba Vì có trách nhiệm ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở; kịp thời tuyên truyền, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng phạm vi nguy cơ sạt lở tiếp diễn hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố để người dân biết chủ động phòng tránh. Đồng thời, hạn chế tàu thuyền qua lại khu vực sạt lở và bố trí cán bộ ứng trực theo quy định.
TP cũng giao Sở NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; phối hợp với UBND huyện Ba Vì xây dựng phương án, tổ chức xử lý giờ đầu. Sẵn sàng ứng phó sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”, không để sự cố phát triển thêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình đê điều và các hộ dân sinh sống trong các khu vực sạt lở.
Để khắc phục sự cố khẩn cấp, UBND TP giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, thực hiện Dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông hữu Đà đoạn từ Trạm bơm Đồng Cống đến phía cầu Trung Hà. Chiều dài của dự án khoảng 600m (chiều dài sẽ được xác định chính xác sau khi có tài liệu khảo sát) được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP.
Hai nhân viên khách sạn thành F1 do nghe hộ điện thoại, đổi tiền cho bệnh nhân Covid-19
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 1 ca bệnh Covid-19 là người nước ngoài được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Cụ thể, bệnh nhân là chuyên gia người Israel nhập cảnh ngày 31/10/2020 trên chuyến bay QR976 (ghế 30C) từ sân bay Doha - Qatar. Bệnh nhân này được chuyển đến cách ly tại khách sạn Mường Thanh Grand Centre (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngay sau khi nhập cảnh.
Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 3/11 của bệnh nhân này dương tính với SARS-COV-2, được Bộ Y tế công bố là ca bệnh 1203. Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) để điều trị.
Đáng chú ý, trong thời gian bệnh nhân người Israel kể trên cách ly tại khách sạn Mường Thanh Grand Centre, có 2 nhân viên của khách sạn đã vô tình trở thành đối tượng F1 của bệnh nhân do chủ quan, không tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh.
Ảnh minh họa |
Trong 2 nhân viên này, một người dùng điện thoại của bệnh nhân để nói chuyện với người khác (nghe hộ điện thoại) trong khoảng 10 giây, một người đổi tiền cho bệnh nhân.
Cả hai trường hợp này đang được cách ly tại khách sạn và đã được lấy mẫu xét nghiệm (đang chờ kết quả).
Việt Nam được bình chọn là điểm đến hàng đầu Châu Á về di sản, ẩm thực và văn hóa
Tổ chức World Travel Awards vừa công bố kết quả bình chọn Giải thưởng khu vực Châu Á. Việt Nam vinh dự được bình chọn là điểm đến di sản hàng đầu Châu Á, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục này.
Điều này một lần nữa cho thấy, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với việc kiểm soát tốt dịch, du lịch Việt vẫn tạo được sự hấp dẫn riêng, khẳng định là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang chuẩn bị nội dung Đề án "Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa" để báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là đề án nằm trong kế hoạch của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.