Tin tức trong ngày 5/8: Thí sinh có thể ở tại địa phương để dự thi đánh giá năng lực
Thí sinh có thể ở tại địa phương để dự thi đánh giá năng lực
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để bảo đảm quyền lợi xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 cho các thí sinh đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực; các cơ sở đào tạo có thể dựa trên kết quả kỳ thi để tổ chức xét tuyển, hoặc xét tuyển bằng học bạ...
Thực hiện nhiệm vụ này, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021. Đây là kỳ thi được tổ chức thường xuyên, nhiều đợt trong năm. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi này mới tổ chức được 2 đợt. Thời gian tới, khi tình hình dịch được kiểm soát, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi.
Thí sinh có thể ở tại địa phương để dự thi đánh giá năng lực (Ảnh minh hoạ) |
Nhằm bảo đảm quyền lợi xét tuyển đại học cho các thí sinh đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng phương án chi tiết để tổ chức kỳ thi.
Khi nào thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố hết thời gian giãn cách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh có nguyện vọng tham dự kỳ thi để triển khai phương án phù hợp.
Nếu số lượng thí sinh có nguyện vọng đủ để tổ chức một phòng thi, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tại địa phương đó, tức là thí sinh có thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại địa phương mình, mà không phải di chuyển.
Thời gian tổ chức kỳ thi dự kiến vào tháng 9/2021, nhằm giúp các em kịp thời có kết quả để xét tuyển đại học. Bên cạnh đó, các trường đại học, khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đang rà soát, xem những ngành đào tạo nào có thể bổ sung phương thức xét tuyển học bạ để thông báo đến thí sinh.
Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển 11.250 chỉ tiêu.
Huyện Gia Lâm bảo đảm chỗ cách ly y tế cho khoảng 3.000 người
Đoàn công tác số 6 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết làm Trưởng đoàn làm việc với huyện Gia Lâm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phương án bảo đảm cách ly y tế tại chỗ trong trường hợp khẩn cấp.
Đoàn công tác của Thành ủy đi kiểm tra thực tế tại khu ký túc xá Trường Đại học Dệt may Hà Nội, xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm). Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, với khoảng gần 500 chỗ của Trường Đại học Dệt may Hà Nội cùng với việc mở rộng khu cách ly Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số khu ký túc xá thuộc các trường trên địa bàn, về cơ bản, Gia Lâm bảo đảm khoảng 3.000 chỗ cho người thực hiện cách ly y tế theo chỉ đạo của thành phố.
Huyện Gia Lâm bảo đảm chỗ cách ly y tế cho khoảng 3.000 người |
Thay mặt Đoàn công tác của Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết ghi nhận và đánh giá cao sự đồng lòng của Trường Đại học Dệt may Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đối với công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Đồng chí Hoàng Trọng Quyết đề nghị huyện Gia Lâm sớm xây dựng phương án bảo đảm an toàn, có tính khả thi, sớm chuẩn bị để đề phòng tình huống xấu nhất liên quan đến dịch Covid-19.
106 nhà máy điện gió đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến hết ngày 3/8/2021 đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD là 5.655,5MW.
106 nhà máy điện gió đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm |
Căn cứ nội dung Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương về quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió, trước 90 ngày vận hành thương mại, bên bán điện có trách nhiệm gửi bên mua điện dự thảo quy trình chạy thử, nghiệm thu của nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của nhà máy điện.
Như vậy, để đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử, nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021 thì chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện (EVN) muộn nhất là ngày 3/8/2021.
Theo thống kê của EVN, đến thời điểm đầu tháng 8/2021, đã có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất 819MW đi vào vận hành thương mại.