Tin tức trong ngày 7/12: Việt Nam chính thức thử nghiệm vaccine Covid-19 vào ngày 10/12
Dự kiến cuối năm 2020, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người |
Ngày 10/12, chính thức thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam
Theo thông tin tại cuộc họp báo cáo tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước do Bộ Y tế chủ trì mới đây, các nhà sản xuất vaccine Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng. Trong đó, có 3 đơn vị sản xuất là Ivac, Vabiotech, Nanogen đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Riêng Nanogen đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Dự kiến, ngày 10/12, Nanogen phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam. Sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên. Song song đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng.
Việt Nam sẽ chính thức thử nghiệm Vaccine Covid-19 vào ngày 10/12 |
Bộ Y tế bày tỏ quan điểm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vaccine đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Đối với đơn vị sản xuất còn lại là Polyvac, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu đơn vị tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 đồng thời tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và chủ động liên hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận với vaccine của các quốc gia này.
Phát hiện, bắt giữ và cách ly 117 công dân nhập cảnh trái phép
Trong 3 ngày, từ 3-5/12, đồn Biên phòng Đồng Văn và Đồn Biên phòng Xín Cái (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) đã liên tục phát hiện, bắt giữ và cách ly 117 công dân nhập cảnh trái phép qua các đường mòn khu vực các mốc 410, 457, 458, 465 và 476 vào Việt Nam.
Qua kiểm tra, lấy lời khai ban đầu, số công dân Việt Nam trên khai nhận có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh gồm: Bạc Liêu, Gia Lai, TP. HCM, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên và Hà Giang.
Hà Giang phát hiện, bắt giữ và cách ly 117 công dân nhập cảnh trái phép |
Những công dân này xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đến nay. Do không có việc làm nên họ đã thuê xe ô tô chở ra biên giới nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Đồn Biên phòng Đồng Văn và Đồn Biên phòng Xín Cái đã tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết, kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn hành lý và bàn giao các công dân trên cho các khu cách ly tập trung thuộc các xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn; Xã Thượng Phùng và Xín Cái, huyện Mèo Vạc cách ly theo quy định, sau thời gian cách ly tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Lừa hàng trăm tỉ đồng bằng app giả mạo Bộ Công an
Bộ Công an vừa đưa ra cảnh báo xuất hiện một phần mềm gián điệp, được các đối tượng sử dụng nhằm lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại hệ điều hành Android.
Phần mềm gián điệp này được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (app) mang tên “Bộ Công an”. Nếu người dùng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.
Hàng chục người đã bị chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng từ app giả mạo Bộ Công an trên hệ điều hành Android |
Các đối tượng sử dụng công nghệ VOIP tạo lập các số điện thoại ảo, giả mạo số điện thoại công khai của cơ quan thực thi pháp luật (chỉ khác ở đầu số như +0096, +884), để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị điều tra vì có liên quan đến một vụ án, chuyên án, nếu không hợp tác sẽ bị bắt giữ, khởi tố; Đồng thời yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Chúng làm giả các lệnh bắt, khởi tố, giấy triệu tập của cơ quan Công an để đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân thay đổi điện thoại đang dùng sang sử dụng điện thoại hệ điều hành Android.
Sau khi cài đặt app mang tên “Bộ Công an” nói trên, theo hướng dẫn của các đối tượng, nạn nhân sẽ phải điền thêm các trường thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, họ tên, số chứng minh Nhân dân (căn cước công dân)... Các thông tin này sẽ được chuyển về máy chủ do các đối tượng quản lý.
Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của người dùng sẽ được phần mềm gián điệp kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân...
Qua điều tra, lực lượng Công an phát hiện đã có hàng chục bị hại tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Huế, Tuyên Quang, Nghệ An, An Giang, Đắk Lắk... bị các đối tượng trộm cắp, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng.