Tin tức trong ngày 9/1: Nghiên cứu thêm phương án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 200 km/giờ
Tin tức trong ngày 22/10: Công bố biểu đồ chạy tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông Giải pháp nào giảm tai nạn giao thông đường sắt? Hà Nội thông qua chủ trương triển khai 2 dự án đường sắt đô thị |
Nghiên cứu thêm phương án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 200 km/giờ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT)vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT)bổ sung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo Bộ KHĐT, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tổ chức lựa chọn Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ KHĐT đề nghị Bộ GTVT bổ sung thêm phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách và hàng hóa với dải tốc độ từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ |
Để có đủ tài liệu cung cấp cho đơn vị tư vấn thẩm tra, phục vụ việc đánh giá các kịch bản, phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được khách quan, toàn diện và thỏa đáng, Bộ KHĐT đề nghị Bộ GTVT bổ sung thêm phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách và hàng hóa với dải tốc độ từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ. Hồ sơ nghiên cứu gửi về Bộ KHĐT trước ngày 22/2.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Bộ GTVT, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được nghiên cứu trong phạm vi 20 tỉnh, thành từ Hà Nội vào TP.HCM. Với phương án tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ, thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP.HCM là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỉ đồng (58,7 tỉ USD).
Lập trạm cân kiểm soát xe quá tải, đảm bảo “tuổi thọ” cầu Thăng Long
Sau gần 5 tháng sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, dự án đã hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1/2021. Khi sửa chữa, mặt cầu được gia cố bằng lớp bê tông siêu tính năng kết nối thêm lớp bê tông nhựa polymer phía trên dày 4cm. Giữa 2 lớp nhựa này được gia cường thêm với 1,4 triệu đinh neo và thép bản mặt cầu. Hiện nay, mặt cầu có độ cứng gấp 3 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, để bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình giao thông cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm soát tải trọng xe.
Dự án sửa chữa mặt Cầu Thăng Long đã hoàn thành và đưa vào thông xe khai thác ngày 7/1/2021 |
Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long-đường Vành đai 3, đường Võ Văn Kiệt. Vị trí đặt cân và kiểm tra tải trọng xe tại Km1+00 đường Võ Văn Kiệt (chiều đường sân bay Nội Bài đi cầu Thăng Long) xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.Công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe được thực hiện 24/7, phân thành 3 ca trực hàng ngày.
Ngay trong ngày thông xe, Tổ kiểm tra tải trọng xe sẽ tiến hành ra quân tuần tra trên các đoạn tuyến khu vực 2 đầu cầu Thăng Long, phát hiện các xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng, tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định.
Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu đánh sập hầm vàng trái phép
Ngày 8/1, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa ký công văn về việc xây dựng kế hoạch đánh sập các hầm vàng trong phạm vi Vườn quốc gia Sông Thanh (huyện Phước Sơn và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam).
Việc phá bỏ các hầm vàng này nhằm bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng, phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh chủ trì, phối hợp với lực lượng biên phòng, quân sự, công an, chính quyền hai huyện Nam Giang và Phước Sơn xây dựng kế hoạch, phương án đánh sập các hầm vàng trong phạm vi Vườn quốc gia Sông Thanh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 23/1.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu xây dựng kế hoạch đánh sập các hầm vàng trong phạm vi Vườn quốc gia Sông Thanh |
Trước đó, ngày 23/12/2020, tỉnh Quảng Nam công bố quyết định thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh. Đây là Vườn Quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất ở Việt Nam với tổng diện tích hơn 76 ngàn ha trải rộng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Nam Giang và Phước Sơn - hai huyện miền núi phía Tây thuộc khu vực biên giới Việt - Lào; Phía Nam giáp tỉnh Kon Tum.
Theo các nhà chuyên môn, nơi đây hiện đang có 23 loài đặc hữu, 49 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 68 loài thú, 130 loài chim, 168 loài bò sát, lưỡng cư và 899 loài thực vật…