Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vững vàng bước vào thời kỳ mới
Theo báo cáo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong thời kỳ 2011 - 2020, tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và XII cùng với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và lần thứ VI (nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Cảng Quốc tế Thị Vải - Cái Mép, TX Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu |
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đoàn kết, chung tay thực hiện các Nghị quyết và đạt được nhiều thành quả trong thời kỳ 2011 - 2020 như: Quy hoạch hình thành không gian phát triển kinh tế hợp lý, giảm thiểu xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, đảm bảo yêu cầu bền vững; quy mô kinh tế luôn nằm trong số các địa phương dẫn đầu cả nước.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển, tỉnh đã cơ bản định hình 4 vùng chức năng rõ rệt vùng chức năng công nghiệp và cảng biển ở phía Tây, dọc Quốc lộ 51 và sông Thị Vải - Cái Mép; vùng chức năng phát triển du lịch, đô thị và dân cư ở khu vực phía Nam và Đông Nam của tỉnh; vùng phát triển nông nghiệp tập trung ở phía Bắc; vùng thềm lục địa và hải đảo là khu vực tập trung phát triển các ngành kinh tế biển.
Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Việc quy hoạch bố trí hợp lý các vùng chức năng, tránh được xung đột phát triển giữa các ngành kinh tế trụ cột là thành tựu có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, với tầm nhìn dài hạn.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, nếu tính cả dầu khí, GRDP của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng bình quân 0,98%/năm. Đến năm 2020, tổng GRDP theo giá hiện hành đạt 314,2 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2010; GRDP/người đạt 269 triệu đồng/người, tương đương 11.375 USD.
Nếu trừ dầu khí, GRDP tăng bình quân 5,18%/năm. Đến năm 2020, GRDP đạt 186,9 nghìn tỷ đồng (xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố), gấp 2,7 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người đạt 160 triệu đồng/người, tương đương 6.766 USD.
Dầu khí vẫn là "gà đẻ trứng vàng" của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2020 tính cả dầu khí, công nghiệp - xây dựng giảm 13,83% so với năm 2010; nông nghiệp tăng lên 3,56%; dịch vụ tăng 6,25%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,02%. Nếu không tính dầu khí, công nghiệp - xây dựng so với năm 2010 đến năm 2020 giảm 0,49%; nông nghiệp tăng 1,75%; dịch vụ giảm 3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,1%.
Quy mô thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 78.741 tỷ đồng, đứng thứ 4/63 địa phương; nếu tính riêng thu ngân sách nội địa năm 2020 đạt 41.043 tỷ đồng, đứng thứ 5/63 địa phương.
Về phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp, đến nay tỉnh có 17 khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch (hoặc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch) với tổng diện tích 9.052,66ha. Trong đó, 13 KCN đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án sản xuất và dịch vụ.
Diện tích đất đã cho thuê của 13 KCN đến cuối năm 2021 là 2.976,62ha/4.765,81ha đất công nghiệp - dịch vụ, đạt tỷ lệ lấp đầy 63,29%; có 4 KCN lấp đầy 100,0%.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch phát triển 17 cụm công nghiệp (CCN), trong đó có 12 CCN đã và đang đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật (6 CCN đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật và 6 CCN đang đầu tư), đã thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp; còn 5 CCN chưa đầu tư hạ tầng.
Về phát triển du lịch, trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng môi trường du lịch, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động kinh doanh du lịch gây ra đối với môi trường; đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động kinh doanh du lịch, nhằm nâng cao hình ảnh con người, hình ảnh thân thiện...
Lượng khách có lưu trú trong giai đoạn 2011 - 2020 tăng bình quân 3,76%/năm.
Một góc TX Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Dịch vụ cảng và dịch vụ Hậu cần cảng trong giai đoạn 2011 - 2020 phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành kinh tế trụ cột của tỉnh.
Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 50 dự án cảng hoạt động, tổng chiều dài cầu bến là 17.164m, tổng công suất thiết kế là 152 triệu tấn/năm.
Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 30,1%, cao hơn bình quân của vùng Đông Nam Bộ (29,5%) và mức trung bình chung cả nước (24,1%).
Thu nhập và đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê về mức sống dân cư, thu nhập bình quân của mỗi người dân trong tỉnh năm 2020 đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 4/6 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và thứ 9/63 địa phương cả nước.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn năm 2020 đạt 29,8m2/người, cao nhất trong vùng Đông Nam Bộ, cao hơn mức bình quân chung cả nước (25,2 m2/người).
Một góc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 10 đô thị gồm 1 đô thị loại I (TP Vũng Tàu), 1 đô thị loại II (TP Bà Rịa), 1 đô thị loại III (TX Phú Mỹ) và 7 đô thị loại V: Long Điền, Long Hải, Đất Đỏ, Phước Hải, Phước Bửu, Ngãi Giao và Kim Long.
Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020 đạt 58,5% cao hơn so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước (đạt trung bình khoảng 38,4%).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến cuối năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 47/47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (đạt 100%).
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các công trình hạ tầng khác đều được đầu tư nâng cấp phát triển khá đồng bộ, theo hướng hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được nâng lên, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, ổn định.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định trong quá trình thực hiện giai đoạn 2010 - 2020 gặp nhiều hạn chế như: Kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển và đạt quy mô ấn tượng song so với tiềm năng lợi thế vẫn chưa tương xứng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đã có dấu hiệu chậm lại. Dịch vụ du lịch vẫn chủ yếu là những sản phẩm phân khúc thấp, thiếu sản phẩm đặc sắc... Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển vẫn chủ yếu là những mô hình, dự án nhỏ.
Cơ sở hạ tầng giao thông được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thiếu các cơ sở y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao chất lượng cao. Nguồn nhân lực của tỉnh mới đáp ứng nhu cầu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội ở trình độ trung bình cả về số lượng và chất lượng.
Giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế; hạ tầng xử lý chất thải, nước thải tại các đô thị, các khu dân cư hiện vẫn chưa đảm bảo.
Công tác xử lý chất thải rắn vẫn bằng giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh, chưa đầu tư được dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt, phát điện và các mô hình tiên tiến, hiệu quả khác; việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện. Việc di dời các cơ sở sản xuất trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp, vùng tập trung còn chậm so với kế hoạch.
Việc triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án lớn và các cơ chế, chính sách phát triển... vẫn nặng về hình thức, một số quy hoạch chậm được triển khai, một số phải điều chỉnh nhiều lần.
Nhiều cánh rừng nguyên sinh được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bảo vệ tốt |
Việc tích hợp, lồng ghép các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ.
Nhiệm vụ bảo vệ, trồng, chăm sóc, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái chưa hoàn thành theo kế hoạch. Các hạn chế, thách thức trên đây là những vấn đề mà quy hoạch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cần phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải quyết trong thời kỳ 2021-2030.
Được biết, ngày 30/3/2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức “Hội nghị triển khai quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu 2024". Việc triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, sẽ giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải quyết nhiều vấn đề hạn chế, tiếp tục phát huy nhiều điểm mạnh của giai đoạn trước nhằm tạo đà thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển hơn nữa, tăng trưởng bền vững hơn. |