“Tinh hoa làng nghề Việt” - sân chơi văn hóa lý thú cho sinh viên
Đây là sự kiện được tổ chức dưới hình thức một cuộc thi dành cho sinh viên trường Đại học Thương mại. Đến với “Tinh hoa làng nghề Việt”, các bạn trẻ sẽ có cơ hội giao lưu văn hóa, thể hiện sự khéo léo và khả năng sáng tạo của bản thân, cùng nhau tìm hiểu về nét đẹp văn hóa thông qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Ban Tổ chức cuộc thi “Tinh hoa làng nghề Việt” và các đội dự thi |
Việt Nam là đất nước có lịch sử và truyền thống phát triển lâu đời. Sự hình thành và phát triển của nghề thủ công mỹ nghệ đã tồn tại qua hàng ngàn năm. Nó thể hiện giá trị văn hóa và nhân văn của dân tộc, là biểu tượng đẹp đẽ gắn với truyền thống đất nước. Tuy nhiên, với sự thay đổi chóng mặt của xã hội, nhiều làng nghề truyền thống đang dần mai một, đặc biệt là thế hệ trẻ càng không mấy mặn mà với nghề “cha truyền con nối” như trước.
Với phương châm “Cách bảo tồn di sản văn hóa tốt nhất là đưa di sản vào cuộc sống hàng ngày”, cuộc thi “Tinh hoa làng nghề Việt” mang ý nghĩa sâu sắc, giúp chúng ta có cách nhìn khác đối với nghề thủ công truyền thống, đồng thời khuyến khích tư duy sáng tạo độc đáo, phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay.
Các thí sinh với đôi tay khéo léo tỉ mỉ đã tạo ra sản phẩm xuất sắc chinh phục Ban Giám khảo |
Với mục đích nâng cao hiểu biết của mọi người về nghề thủ công truyền thống, tìm ra các đội nhóm có ý tưởng sáng tạo về các sản phẩm thủ công, nhằm duy trì và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của nghề thủ công truyền thống, đồng thời phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, qua đó quảng bá hình ảnh sản phẩm và làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam đến bạn bè thế giới, cuộc thi “Tinh hoa làng nghề Việt” đã tạo ra một sân chơi lành mạnh cho học sinh, sinh viên trên khắp đất nước Việt Nam với độ tuổi từ 15 trở lên.
Nội dung vòng sơ khảo, các đội thi sẽ làm poster hoặc video về sản phẩm của đội mình, lựa chọn làm sản phẩm thủ công truyền thống theo các nhóm nghề do ban tổ chức đề xuất như: Nghề nặn tò he, nghề mây tre đan, nghề làm diều, nghề thêu ren… sau đó gửi bài thi và thông tin về Ban tổ chức.
Đội thi “MTM” với sản phẩm “Tò he” |
Sản phẩm “Tò he” của đội thi “MTM" |
Sau thời gian phát động cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận về được gần 50 bài thi từ sinh viên trên khắp cả nước. Trong quá trình chấm điểm dựa trên các tiêu chí đã đưa ra trước đó, Ban Tổ chức đã chọn ra được 2 bài dự thi có điểm trong vòng sơ khảo cao nhất lọt vào chung kết. Hai bài thi xuất sắc được lọt vào chung kết là bài “Thêu ren” của đội thi “Nét đẹp nghề thêu tay” đạt 129 điểm và bài “Tò he” của đội thi “MTM” đạt 84 điểm.
Trải qua rất nhiều phần thi gay cấn vòng chung kết “Tinh hoa làng nghề Việt”, các đội thi đã thể hiện vô cùng xuất sắc, tự tin và đặc biệt là vô cùng tài năng. Các đội thi hoàn thành tốt phần thi của mình và đã mang đến chương trình những “kiệt tác” tuyệt đẹp được thực hiện với những đôi bàn tay khéo léo để chinh phục Ban Giám khảo.
Đội thi “Nét đẹp nghề thêu tay” |
Sản phẩm “Thêu ren” của đội thi “Nét đẹp nghề thêu tay” xuất sắc đoạt giải cao nhất cuộc thi |
Ngoài phần thi của hai đội, Ban Tổ chức đã chuẩn bị những tiết mục văn nghệ và các trò chơi dân gian giúp cuộc thi thêm phần sôi động, tạo sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên.
“Nghệ thuật đến từ đôi bàn tay” - đó là thông điệp mà cuộc thi muốn gửi gắm xuyên suốt sự kiện. Con người tạo nên nghệ thuật và đôi bàn tay là sự thổi hồn vào những nghệ thuật đó.
Ban Giám khảo trao giải thưởng đến hai đội thi xuất sắc nhất |
Chương trình văn nghệ trong buổi Chung kết cuộc thi |
Ban Tổ chức tạo ra sân chơi bổ ích giúp sinh viên tạo nên những kỉ niệm khó quên |
Thông qua “Tinh hoa làng nghề Việt”, cuộc thi đã đem đến cho sinh viên một sân chơi nhằm thể hiện khả năng sáng tạo cũng như tâm hồn nghệ sĩ bên trong mỗi người; Đồng thời giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó biết bảo vệ, giữ gìn nét đẹp ấy.
Giá trị của chúng không chỉ nằm ở nét đẹp thẩm mỹ mà còn là nơi gửi gắm những ước vọng bay bổng của tâm hồn, là chất đời thường, dân dã xuất phát từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân Việt.