Những nghệ nhân lưu giữ nghề mây tre đan truyền thống
Khởi công Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên |
Sản phẩm đan lát thủ công sáng tạo và bắt mắt
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong phát triển làng nghề thủ công truyền thống và ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, lĩnh vực sản xuất mây tre đan chiếm một vị trí quan trọng.
Trong phát triển làng nghề thủ công truyền thống và ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, lĩnh vực sản xuất mây tre đan chiếm một vị trí quan trọng. Trong các làng nghề mây tre đan của Hà Nội hiện nay, tiêu biểu nhất là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Làng nằm dọc theo trục quốc lộ 6A nối liền Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc, cách huyện lỵ Chương Mỹ 5km, cách trung tâm Hà Nội 27km theo hướng Tây Nam.
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất |
Du khách có dịp đến thăm làng nghề Phú Vinh sẽ không khỏi bồi hồi cộng chút háo hức khi được chứng kiến một làng nghề cổ tấp nập, với đa dạng sản phẩm đan lát thủ công thật sáng tạo và bắt mắt. Bởi vậy, làng nghề Phú Vinh luôn chiếm được rất nhiều thiện cảm của du khách trong nước lẫn nước ngoài.
Làng Phú Vinh được coi là “xứ Mây” nổi tiếng về nghề đan mây tre với lịch sử phát triển nghề lâu đời. Ông tổ thật sự của nghề mây tre đan ở Phú Vinh là ai không rõ. Các cụ cao niên kể lại rằng, cách đây chừng 400 năm, Phú Hoa Trang (nay là Phú Vinh) có một địa danh là bãi Cò Đậu do ở đây có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu. Lông cò thường rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về tết thành mũ, nón rất xinh xắn.
Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng người thân, bạn bè, dần dần được yêu thích và nhiều người đến tìm mua. Lâu dần, lông cò có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành các đồ gia dụng như rổ, rá, rế, làn…
Qua thời gian, nhiều vật liệu mới được bổ sung, các mẫu mã sản phẩm được cải tiến, kỹ thuật đan mây tre của người làng được nâng cao để sản phẩm ngày càng tinh xảo và có giá trị kinh tế hơn. Nghề mây tre đan từ đó đã lan rộng sang các làng xã khác trong vùng rồi vươn ra hơn 20 tỉnh thành trong cả nước.
Nghề mây tre đan truyền thống đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm. Làng Phú Vinh được hình thành từ năm 1700, với tên gọi ban đầu là làng Phú Hoa Trang (trời phú cho dân có bàn tay lụa), vì người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, giỏi đan lát mây tre.
Cứ thế, theo nghề “cha truyền con nối”, những đứa trẻ làng Phú Vinh lớn lên đã gắn bó với cây mây, cây tre, nắm lòng bàn tay các thuộc tính của từng cây tre, từng sợi mây. Dần dần, mây tre đan đã phát triển trở thành nghề truyền thống của làng Phú Vinh.
Những “bảo tàng sống” của làng nghề
Phú Vinh cũng là làng nghề duy nhất ở Việt Nam có kỹ thuật xâu xiên sử dụng chất liệu sợi mây vô cùng tinh tế… là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát Việt Nam. Có những mặt hàng tưởng như được "thêu" bằng nan đầy tài tình, đẹp mắt.
Những người nghệ nhân có những kỹ năng, kỹ thuật đường đan tỉ mỉ, cầu kì, sản phẩm họ làm thường có hoa văn đan tết tinh xảo, độc đáo, mà người ta chỉ tìm thấy ở làng nghề Phú Vinh.
Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Muốn có một tác phẩm như ý, trước tiên người thợ làng Phú Vinh phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm. Ví dụ như cây tre, nứa, vầu, trúc... và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ lúa.
Cây tre là loại cây mọc thẳng, có độ cứng cao, khô thì giòn, đặc biệt tre có chứa chất đường nên dễ bị mọt ăn nên khi sử dụng vào việc đan phải xử lý chống mọt.
Để sản xuất sản phẩm phải trải qua nhiều bước, từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, đến chế tác sản phẩm. Nguyên liệu mua về được phơi tái; Sau đó cho vào bể ngâm hoá chất khoảng 10 ngày để chống mối mọt. Sau đó vớt tre ra để nghiến mấu, cạo vỏ, dùng giấy giáp đánh bóng và phơi tre khô.
Công đoạn tiếp theo là đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun lấy mầu, sản phẩm có mầu nâu tây hay nâu đen, là do yêu cầu của khách hàng. Sau khi hun lấy mầu, đưa tre ra khỏi lò để nguội và đưa lên uốn thẳng. Bước vào công đoạn đóng đồ, những người thợ cả chọn nguyên vật liệu để cắt ra các mặt hàng sao cho phù hợp những sản phẩm được ra đời. Màu sắc của sản phẩm có nhiều loại, có thể là từ màu nguyên thuỷ của mây hun hay được hỗ trợ qua cách pha chế sơn PU.
Mây là lâm sản được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình (nội thất) như bàn, ghế hay giỏ đựng... Ruột mây chứa nhiều nước hơn vỏ ngoài, khi mây khô tự nhiên có màu trắng ngà dẻo và dai. Độ bền của mây nếu không bị ẩm có thể từ 100 năm trở lên. Cây mây lớn rất chậm, mỗi năm nó chỉ dài thêm ra được 1 mét, khi dài tới 5 mét thì phải thu hoạch. Cây mây non hoặc già quá chất lượng đều kém.
Những nghệ nhân giỏi và lâu năm ở Phú Vinh như những “bảo tàng sống” của làng nghề, là người giữ lửa và truyền lửa yêu nghề đến các thế hệ con cháu. Đến thăm Phú Vinh, bạn có thể tìm gặp và trò chuyện cùng các nghệ nhân này, để nghe họ say sưa kể về lịch sử làng nghề, về quá trình hình thành và phát triển, đặc biệt là xem họ trình diễn nghề thật điêu luyện và tài khéo.
Với lòng yêu nghề sâu sắc, chắc chắn những nghệ nhân này sẽ là những "hướng dẫn viên" tài tình và tận tâm nhất, đưa du khách vào không gian văn hóa làng nghề đặc sắc.
Anh Dương Phú Vinh (chủ xưởng Mây Tre Đan ) chia sẻ: “Dù có phần khó khăn hơn, nhưng quê hương, bà con nơi đây vẫn cố gắng lưu giữ nghề truyền thống này, để giữ lại nét đặc sắc cho quê hương dân tộc.
Có rất nhiều sản phẩm mới lạ được ra mắt như túi cói, giỏ quà, túi xách, bàn, ghế, giá sách… Tôi mong rằng bạn bè bốn phương cũng như quốc tế sẽ biết tới sản phẩm của chúng tôi nhiều hơn nữa, để ủng hộ bà con ngày càng phát triển nghề truyền thống Mây tre đan đáng quý này”.