Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em: Gióng lên hồi chuông báo động
Đối tượng Danh Đa đánh đập, xâm hại chính con đẻ của mình (Ảnh cắt từ clip)
Bài liên quan
Đề nghị áp dụng biện pháp "thiến sinh học" tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Tình trạng xâm hại trẻ em còn nhiều tồn tại nhức nhối
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em
Cha đánh đập con tàn nhẫn
Nhiều ngày nay, người dân trên cả nước không khỏi bàng hoàng xót xa khi trên mạng xã hội xuất hiện một video dài gần 4 phút ghi lại cảnh một người đàn ông (sau này xác định là Danh Đa trú tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) trói tay, dùng roi đánh, dùng chân đá mạnh vào người con gái ruột của mình là bé D.T.N (6 tuổi) một cách dã man.
Ngay sau khi có thông tin, Công an thị xã Vĩnh Châu phối hợp với Đồn Biên phòng Lai Hòa đã mời Danh Đa về Công an xã Lai Hòa để làm việc.
Tại đây, Danh Đa khai do phát hiện con gái ruột lấy gạo đổ vào cát để đùa nghịch nên tức giận, dẫn đến việc đánh bé N. Hình ảnh Danh Đa đánh con gái được người dân quay clip đăng lên mạng xã hội.
Theo điều tra, Danh Đa thường xuyên đánh đập bé N. Không những vậy, Đa còn nhiều lần đánh cha ruột, đánh vợ đến mức những người thân của Đa phải bỏ trốn đi nơi khác sinh sống. Được biết, Danh Đa sống bằng nghề làm thuê, thường hay uống rượu nên vợ bỏ đi mấy năm nay.
Hiện, Công an thị xã Vĩnh Châu đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Danh Đa để điều tra về hành vi hành hạ con.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV mới đây, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết: Số vụ bạo lực đối với trẻ em bị phát hiện, xử lý không nhiều so với số vụ xâm hại tình dục trẻ em (857 trẻ, chiếm 9,84% tổng số trẻ bị xâm hại).
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây tình trạng bạo lực đối với trẻ em đã và đang gia tăng đến mức báo động. Nhiều trường hợp do chính bố mẹ, người thân các em gây ra.
Có thể kể đến một số vụ việc gây chấn động dư luận, như vụ cháu bé ở Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn dã man, không được đi học, không được ăn uống tử tế, dẫn đến ốm yếu, suy kiệt, vụ việc đến cuối năm 2017 mới bị phát giác.
Vụ cháu bé ở Nghĩa Đô, Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập đến gãy sương sườn, rạn sọ não. Vụ bé trai một tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man rồi bỏ rơi tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).
Nghiêm trọng hơn nữa, vụ cháu bé ở Bình Phước thường xuyên bị nhân tình của mẹ chửi bới và đánh đập. Hậu quả là cháu bị tra tấn đến tím tái, hôn mê và tử vong. Cái chết của cháu đã thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với trẻ em.
Bạo lực trẻ em để lại di chứng suốt đời
Dẫn ra hàng loạt câu chuyện đau lòng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh rằng, “đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội”. Bạo lực đối với trẻ em sẽ để lại di chứng suốt cuộc đời của một con người.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em, vẫn còn một thực trạng nhức nhối diễn ra nghiêm trọng đó là tình hình xâm hại trẻ em.
Tình trạng này đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội, không những ở vùng nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển cũng xảy ra.
Theo đại biểu Hòa, những con số đau lòng sau đây cho thấy mảng tối của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại. Một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai.
Qua thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức viên chức người cao tuổi…
Trước phiên giám sát tối cao của Quốc hội một ngày Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 23/CT-TTg tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em; Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật và bảo vệ trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi pháp pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm chễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm"…