Tình yêu áo dài và công nghiệp văn hóa
Để tìm hiểu rõ hơn Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đạo diễn, cố vấn nghệ thuật của chương trình Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 Đặng Lê Minh Trí.
PV: Theo Ban Tổ chức chương trình, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 có rất nhiều hoạt động, vậy với vai trò là đạo diễn chính, anh có thể chia sẻ thêm về điểm nhấn chính của chương trình?
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí: Đó là lễ khai mạc và việc năm nay lễ hội sẽ hướng tới áo dài dành cho cộng đồng.
Dưới góc độ trình diễn thì đây là một chương trình nghệ thuật được đầu tư dàn dựng công phu, có cấu tứ văn học, sân khấu hóa việc trình diễn áo dài không theo tuyến tính thông thường mà truyền tải trong đó câu chuyện về dòng thời gian, sự phát triển của cái đẹp, đồng thời đưa tới cho người xem một cái nhìn đặc sắc về giá trị mà chúng tôi lần đầu tiên đưa ra cho Lễ hội Áo dài tại Hà Nội: “Khám phá nét son Hà Nội”.
Đạo diễn Minh Trí chia sẻ tại Họp báo Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 |
Áo dài trở thành một hình tượng nghệ thuật mà khi phối trộn cùng không gian, hương sắc Hà thành mang nét đẹp riêng biệt có sức lay động cảm quan người xem.
Trên hết, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn lễ khai mạc sẽ trở thành một điểm sáng dẫn lối người xem đến các hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ lễ hội, cũng như lan tỏa được tình yêu với Hà Nội.
PV: Anh có thể cho biết, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 có nghĩa chỉ hướng đến “Áo dài du lịch”? Hay dành cho tất cả các áo dài ở khắp nơi đều được tụ hội về?
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí: Dưới góc độ cá nhân, thực tế tôi muốn hình tượng áo dài trở thành một "đại sứ du lịch" cho Hà Nội trong chương trình lần này.
Áo dài vốn không xuất phát từ Hà Nội cũng giống như một số sản phẩm văn hóa khác, tuy nhiên khi đến với không gian Hà thành, con người Kinh Kỳ lại trở thành một nét đẹp đặc biệt ghi dấu ấn suốt tiến trình lịch sử.
Từ áo dài cách tân những năm 30, đến tà áo dài ngày độc lập, tiếp đó là thời khắc giải phóng Thủ đô, rồi thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù, đến ngày thống nhất đất nước và những năm tháng đổi mới sau này, tà áo dài đã trở thành một hình ảnh đẹp của phụ nữ mọi lứa tuổi.
Lễ hội áo dài là dịp hội tụ văn hóa áo dài tại Hà Nội |
Đồng thời, Hà Nội cũng là nơi hội tụ muôn màu của áo dài từ mọi miền đổ về Thủ đô trong những dịp trọng đại. Bởi thế, lễ hội năm nay sẽ dành cho tất cả và khi mọi tà áo ấy đến với nơi đây thì đều tỏa sáng, tô thắm vùng đất này.
Đặc biệt hơn nữa tại lễ khai mạc lần này sẽ có phần cộng hưởng sắc màu, kiểu dáng của áo dài Việt Nam cùng các quốc phục nhiều nước trên thế giới ngay trên sân khấu, để khẳng định Hà Nội, Việt Nam là điểm đến tuyệt vời, nơi ấp ôm và lan tỏa những điều đẹp đẽ, để áo dài cùng con người Việt Nam luôn chào đón bạn bè quốc tế với một tinh thần nhân văn, thân thiện nhất.
PV: Theo anh, điểm khác biệt lớn nhất của lễ hội này với các lễ hội áo dài khác là gì?
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí: Đầu tiên về mặt thông điệp và cách thức dàn dựng lễ hội mong muốn truyền tải tinh thần thời đại và tình yêu với tà áo dài trong cộng đồng, không gian sân khấu khai mạc được thiết kế như một chuyến tàu lịch sử, nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai.
Hòa vào không gian ấy, nhiều hoạt cảnh, ca múa, nhạc, đồng diễn sẽ tái hiện lại đời sống người Hà Nội và dân tộc qua các thời kỳ.
Tà áo dài xuất hiện dịu dàng, trang nhã mà vẫn lộng lẫy, kiêu sa cùng đất và người bước qua những thăng trầm thời cuộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, áo dài luôn mang đậm giá trị văn hoá tinh thần của Hà Nội, của Việt Nam kết tinh lan tỏa tới mọi phương trời.
Áo dài xuất hiện trong lễ hội năm nay lộng lẫy kiêu sa |
Tiếp đó là việc ekip sáng tạo mong muốn khắc họa đậm nét góc nhìn biện chứng giữa áo dài với Hà Nội và Hà nội với áo dài. Hai chủ thể đều được coi là Di sản văn hóa Việt, niềm tự hào của chúng ta.
Có một ca khúc đã ví Hà nội là trái tim hồng của cả nước thì áo dài theo cá nhân tôi cũng chính là “Nét son” đặc biệt, mang một phần dáng hình đất nước chúng ta.
Khi đặt áo dài quyện hòa cùng văn hóa, cảnh sắc, chuyển động của Hà Nội thông qua một loạt các chương trình được bố cục theo mạch kết nối thông suốt có câu chuyện văn học dẫn dắt, chúng tôi tin rằng những du khách, đại biểu, khách quý khi đến với Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội lần này sẽ cảm nhận được vẻ đẹp cùng những thông điệp được gửi gắm một cách trực quan, gần gũi, sinh động.
PV: Việc “Mang áo dài kết nối du lịch với di sản Hà Nội”, theo anh đây có phải là hướng đi đúng cho du lịch Hà Nội?
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí: Theo góc nhìn của cá nhân tôi thì đó là hướng đi đúng, bao hàm nhiều giá trị, đồng thời tôn vinh cả hai nội dung nói trên. Thực tế đây cũng là một phần cảm hứng để ekip sáng tạo xây dựng nên chương trình lễ hội lần này.
Du lịch Hà Nội có nội lực, tiềm năng rất lớn nếu thực sự có những hướng đi tạo sự thu hút, trong đó đưa áo dài kết nối với di sản riêng có của Hà Nội.
Tôi mong muốn lễ hội lần này sẽ là điểm khởi đầu tốt đẹp, tạo ấn tượng sâu sắc để mọi người khi nhớ về Hà Nội không chỉ bởi trầm tích lịch sử, văn hóa ngàn năm mà còn về những nét đẹp đã được tụ hội về đây, trở thành dấu ấn khó phai như “Áo dài”.
Ở góc độ trực quan, áo dài khi được đồng hành cùng các di sản khác của Hà Nội sẽ mang tác dụng tương hỗ, cùng tôn vinh làm nổi bật nhau, ở một khía cạnh khác sẽ tạo nên những giá trị phái sinh độc lập mang ý nghĩa gắn kết giao hòa văn hóa.
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí |
Tôi đã có dịp làm chương trình tại rất nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc. Năm gần nhất tôi là một trong những đạo diễn cho Festival âm nhạc Châu Á tại Hàn Quốc. Thời điểm đó tôi đã mang áo dài Việt Nam sang.
Ở không gian của lễ hội âm nhạc tầm cỡ quốc tế, tôi nhận ra, Hàn Quốc rất biết cách để đặt văn hoá của họ trong mọi việc và từ đó họ “bán” được rất nhiều thứ.
Đó là công nghiệp văn hoá như cách chúng ta đang dùng, vui vẻ gọi là bán, vì những cái “bán” này là người nhận họ cảm thấy “mua” được giá trị ưng ý, trong đó có những sản phẩm truyền thống của đất nước Hàn Quốc.
Thực tế ở Việt Nam, áo dài đã có từ rất lâu rồi. Áo dài thậm chí trở thành điều tuyệt vời của đất nước chúng ta.
Không gian triển lãm áo dài trong khuôn khổ lễ hội |
Tuy nhiên, làm thế nào để xóa đi ranh giới áo dài chỉ mặc trong những dịp đặc biệt quan trọng. Đó là điều tôi muốn các bạn trẻ tiên phong trong việc đưa áo dài ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống và truyền thông điệp trân quý áo dài và du khách đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung yêu thích mặc áo dài vì mặc áo dài ở nơi đây sẽ đẹp hơn rất nhiều.
Tôi có thể ví dụ về việc nhiều Đại sứ các nước cũng mặc áo dài ở Việt Nam. Họ chia sẻ rất hạnh phúc với điều này. Gần nhất là vợ của Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Hình ảnh bà trong tà áo dài truyền thống Việt Nam được truyền thông trong và ngoài nước ca ngợi.
Do vậy điều đầu tiên, giới trẻ hãy bằng sức trẻ, sự sáng tạo, tiên phong của mình hãy đưa áo dài vào trong không gian của cuộc sống. Thông qua chương trình Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023, tôi có một ý niệm là “Áo dài phố” - đây là điều giới trẻ hoàn toàn tiếp cận nó một cách hợp lý nhất.
Hà Nội có 36 phố phường nên khi mặc áo dài ở đâu trong không gian này, các bạn vẫn có thể sinh hoạt, vẫn có thể cảm nhận và cảm thấy sự thi vị riêng, đặc biệt gần gũi, khiến họ tự tin và coi đó là cuộc sống của mình.
PV: Lễ hội áo dài thường là áo dài cho nữ, vậy lễ hội áo dài du lịch có tôn vinh áo dài nam? “Áo dài ngũ thân” theo anh có phải một nét văn hoá truyền thống Hà Nội?
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí: Áo dài vốn có xuất phát điểm từ trang phục truyền thống thời xa xưa của dân tộc Việt Nam. Trải qua tiến trình lịch sử có định dạng và kiểu dáng như hôm nay. Cá nhân tôi cho rằng nam giới mặc áo dài trong những dịp lễ lớn là sự tôn vinh truyền thống dân tộc, nhắc nhở mỗi người hướng về nguồn cội.
Áo dài cho cả nam và nữ |
Việc nam giới mặc áo ngũ thân xưa trong cuộc sống thường nhật hoặc những dịp đặc biệt như khoa cử, lễ hội địa phương… hay ngày nay là trong các dịp tiếp khách nước ngoài thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc là điều đáng cổ vũ.
Nét văn hóa Hà Nội theo tôi đó là sự trang nhã, thanh lịch vì vậy việc nam giới mặc áo dài ngũ thân hoàn toàn là phù hợp.
Cá nhân tôi trong buổi họp báo lễ hội lần này cũng đã lựa chọn cho mình một chiếc áo dài với những họa tiết… Tôi thực sự tự hào khi được mặc trên người bộ áo dài đó!
PV: Một đạo diễn như anh tìm cảm hứng từ lịch sử và đất nước, vậy có bao giờ anh nhìn ra những vẻ đẹp khác biệt của cuộc sống đời thường và vận dụng nó vào sáng tạo?
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí: Cuộc sống thời nào cũng vậy! Luôn tồn tại những vẻ đẹp mà không chỉ các nghệ sĩ, những người làm công việc sáng tạo tìm ra mà chắc chắn bất cứ ai trong chúng ta đều cảm nhận được.
Cá nhân tôi cũng vậy, cho dù nặng lòng với lịch sử đất nước nhưng trong chính sự vận động của cuộc sống hôm nay chứa đựng rất nhiều điều lay động tâm hồn chúng ta.
Đạo diễn Minh Trí luôn muốn người trẻ mang tình yêu áo dài vào trong các hoạt động thường nhật |
Ví như một tà áo dài cách tân bên một công trình văn vật cổ điển, mới nghe có thể sẽ thấy khá vênh nhau.
Nhưng thử hình dung xem, ở một thời điểm nào đó, dưới một góc nhìn nào đó, sự tương phản sẽ trở thành cầu nối để soi chiếu giữa quá khứ và hiện tại, cũng như đồng dạng trong một xúc cảm tôn vinh cái đẹp.
Đó chính là những trải nghiệm mà tôi tin chúng ta đều có đôi lần được hạnh ngộ (May mắn mà gặp gỡ - PV). Tôi thường có cảm hứng sáng tạo từ những khoảnh khắc đặc biệt như thế.
PV: Theo anh, những sự kiện như lễ hội áo dài sẽ giúp người trẻ kế thừa và phát triển tình yêu quê hương đất nước như thế nào, trong bối cảnh họ có nhiều mối quan tâm khác mỗi ngày?
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí: Tôi nghĩ đây là một hoạt động rất ý nghĩa, hoàn toàn có thể truyền cảm hứng đến các bạn trẻ. Việc được mặc trên mình trang phục mang hồn cốt dân tộc là điều thực sự tự hào.
Trong lễ hội lần này chúng tôi cũng mời đến rất nhiều nhà thiết kế trẻ, bằng ngôn ngữ mang cá tính sáng tạo cá nhân giúp chiếc áo dài có thể thành cầu nối để tương tác giữa các thế hệ.
Tình yêu áo dài được hun đúc cho các bạn nhỏ |
Ở một tầm ảnh hưởng phổ quát hơn, tôi muốn nhắc đến khái niệm công nghiệp văn hóa.
Chúng ta đi từng bước để có được ngành công nghiệp này từ chính những hoạt động như lễ hội áo dài.
Các hoạt động trẻ trung sôi nổi mang sắc màu thời đại trong lễ hội lần này, tôi tin sẽ có thể gắn kết những bạn trẻ giúp họ kế thừa và phát triển tình yêu quê hương đất nước.
Đến với áo dài trước tiên hãy hiểu đơn giản là thời trang, còn đi sâu tìm hiểu các bạn sẽ nhận ra một Di sản đang được gửi gắm, trao truyền qua nhiều thế hệ.
PV: Để nói đến Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 bằng ba từ dành cho giới trẻ thì anh sẽ nói là…?
Đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Đặng Lê Minh Trí: Nét son Hà Nội - Khám Phá - Trải nghiệm.
Thứ nhất, nhắc đến “Nét son” là những điều vô cùng đẹp. Khi người trẻ mặc áo dài, họ sẽ nhận ra đó là những điều tốt đẹp, dù họ ở bất kì đâu trên đất nước này.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội với nhiều điểm mới, độc đáo được đạo diễn, cố vấn nghệ thuật Minh Trí giới thiệu trong buổi họp báo |
Đặc biệt, họ mặc áo dài, đến với Hà Nội trong không gian của lễ hội áo dài thì tất nhiên họ sẽ rất đẹp. Những người trẻ khi đó cũng thấy rằng, ở Hà Nội ấp ôm chứa đựng cả giá trị và không gian cho họ toả sáng với chiếc áo dài.
Thứ hai là “Khám phá” vì nếu bạn đặt bản thân mình vào đấy thì bạn sẽ khám phá được những câu chuyện riêng có. Khi khám phá ra thì bạn sẽ nhận ra rằng áo dài không có độ tuổi.
Người trẻ có cá tính, người trung niên, trẻ em, phụ nữ, người già cũng sẽ khám phá ra những nét rất riêng của bản thể trong không gian Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm nay.
Thứ ba là “Trải nghiệm” vì: Ngay tên gọi Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội đã mang ý nghĩa hoàn toàn khác với lễ hội áo dài bình thường.
Chúng ta đều biết mùa thu Hà Nội là mùa đẹp nhất trong năm, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội lại được tổ chức vào mùa thu. Các bạn trẻ nói riêng có thể thỏa thích check-in ở khắp nơi để lưu giữ khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời với tà áo dài biểu tượng của đất nước. Vậy thì khi áo dài hội tụ về Hà Nội – nơi đây cũng sẽ là điểm thu hút khách thập phương đang ở đây thì điểm đón du lịch sẽ mở đón nhiều hơn…
PV báo Tuổi trẻ Thủ đô trao đổi với đạo diễn Minh Trí |
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/10/2023 tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Lễ khai mạc sẽ được tổ chức tối 27/10 tại khu vực Vườn hoa Đền Bà Kiệu và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội. |