Tổ chức chu đáo để Nhân dân Thủ đô đón Tết an toàn
Phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn, bình yên |
Hà Nội tập trung tổ chức phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh minh hoạ |
Chiều 27/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Dừng cấp phép, thi công đào hè, đường từ ngày 16/1
Tại Chỉ thị, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường, giá cả, chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm, các điểm bán hàng bình ổn giá...
Sở cũng chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức chu đáo, an toàn các hội chợ xuân, chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán bảo đảm quy định về an toàn phòng chống dịch, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng cháy, chữa cháy.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan bảo đảm nguồn lực (bằng nguồn xã hội hóa) để tổ chức bắn pháo hoa theo kế hoạch.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước vận tải, giá tàu, vé xe theo quy định, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chủ động chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa trong dịp Tết.
Các đơn vị tăng cường phân luồng, tổ chức giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp đỗ, dừng phương tiện không đúng quy định, đi không đúng làn đường, phần đường quy định, chở quá tải, quá số người quy định; xử lý các điểm trông giữ xe trái phép, sai phép, thực hiện sai quy định về giá dịch vụ, vi phạm lòng đường, lề đường; dừng cấp phép (đào hè, đường) và dừng thi công từ ngày 16/1/2024 (tức ngày 6 tháng Chạp) đến hết Tết Giáp Thìn 2024...
Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán, điều kiện sống của từng địa phương; phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời các tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động cờ bạc, mê tín dị đoan. Sở tăng cường tuyên truyền, đấu tranh giảm các “hủ tục”, các hoạt động phi văn hóa, xa hoa, lãng phí trong các lễ hội tự phát.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng, hướng dẫn, triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch tặng quà tới các hộ nghèo, gia đình chính sách, trẻ em, đoàn viên, hội viên, người lao động,... có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, địa điểm lễ hội
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Công an thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan xây dựng các phương án, tổ chức lực lượng ứng trực cụ thể, phù hợp để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho Nhân dân vui Tết; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm lễ hội, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người, đặc biệt tập trung bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực trung tâm trong các ngày Tết từ ngày 9/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp) đến ngày 22/2/2024 (tức ngày 13 tháng Giêng).
Công an TP.Hà Nội tổ chức ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 |
Công an TP phát động đợt cao điểm ra quân tập trung phòng, chống tội phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, đốt pháo nổ trái phép từ nay đến hết Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tăng cường phòng, chống buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ.
Công an TP tổ chức xóa các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự; làm tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng, nhất là ở các quận, các khu đông dân cư; không để xảy ra các vụ trọng án, triệt phá các đường dây buôn lậu, buôn bán, sản xuất hàng giả, buôn bán ma túy, cờ bạc, số đề, mại dâm, mê tín dị đoan, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Công an TP Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường lực lượng dân phòng tuần tra canh gác, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển hàng cẩm, các hành vi vi phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự tại các đầu mối giao thông.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư và khu tập trung đông người (khu biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ...); bảo đảm lực lượng, phương tiện, thiết bị, nhân lực, duy trì lệnh trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó, thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn.
UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động xử các vấn đề “nổi cộm” về dân sinh bức xúc; thực hiện tốt việc đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và công tác duy trì vệ sinh môi trường; vận động, tuyên truyền, đấu tranh bài trừ các hoạt động lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; kịp thời ngăn chặn mọi hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an như: Đốt pháo nổ, đua xe; bẻ cành, hái lộc, phá hoại cây xanh...
Thành phố chỉ đạo tăng cường quản lý, sắp xếp, kiểm tra việc thu phí, giá dịch vụ tại các điểm trông giữ xe, nhất là tại các điểm vui chơi công cộng, địa điểm tín ngưỡng đông người trên địa bàn.