Tội phạm mạng hoành hành giữa đại dịch
Các cuộc tấn công mạng liên quan đến đại dịch Covid-19 tăng mạnh khi bọn tội phạm tìm cách khai thác tình hình dịch bệnh toàn cầu để trục lợi, đặc biệt là khi hầu hết mọi người đều chuyển sang làm việc online (Ảnh: Centralbanking) |
Khối ngân hàng Việt Nam là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng “Xóa mù” về trí thức công nghệ để phòng chống tội phạm mạng Các phương thức tấn công cổ điển trở lại với tội phạm mạng |
Tội phạm mạng tăng đột biến
Giống như đa số mọi người phải ở nhà khi dịch bệnh Covid-19 càn quét khắp nơi trên thế giới, bọn tội phạm cũng đang ở nhà. Tuy nhiên, chúng chỉ thay đổi phương pháp thức lừa đảo kiếm tiền mà thôi.
Tổ chức Cảnh sát hình sự Châu Âu (Europol) xác định 3 nhóm tội phạm là: Tội phạm mạng, lừa đảo, hàng giả và tội phạm có tổ chức đang “lên ngôi”.
Chúng đã nhanh chóng thích nghi với các lệnh cách ly, phong tỏa để khai thác sự hỗn loạn nhằm mục đích trục lợi.
Trong đại dịch, các vật dụng như găng tay, khẩu trang hay dung dịch khử trùng tay rất khó tìm mua ở các hiệu thuốc. Điều này đã mở ra cơ hội cho nhóm tội phạm trực tuyến. Chúng lấy tiền của khách hàng nhưng sẽ chẳng bao giờ gửi hàng hóa hoặc thay thế bằng các sản phẩm giả, không đạt tiêu chuẩn.
Các trang web bán trang thiết bị y tế mùa dịch xuất hiện nhan nhản. Empire là một trang web như thế. Những kẻ điều hành Empire ngay từ đầu mùa dịch đã cho quảng cáo bán các loại khẩu trang y tế hiện đại có khả năng lọc các loại phân tử virus nhỏ với giá 6.500 USD/hộp, có 2.000 chiếc (tính trung bình mỗi khẩu trang giá 3,25 USD).
Công ty xử lý khủng hoảng Digital Shadows đã phát hiện và ngay lập tức báo cho Europol. Từ đây, Europol phát hiện ra, tiếp tay cho Empire bán khẩu trang giả là một nhà cung cấp ở Ukraine…
Các điều tra khác của Europol cũng đã phát hiện vụ một công ty đặt mua gel rửa tay và mặt nạ FFP3/2 trị giá 6,6 triệu Euro từ một công ty ở Singapore. Tiền đã được chuyển nhưng công ty không bao giờ nhận được hàng.
Tổn thất nặng nề
Theo thống kê của Action Fraud (cơ quan thông tin tình hình tội phạm mạng và gian lận của Anh), tính đến tháng 4/2020 đã có 862 vụ lừa đảo gây tổn thất hơn 2 triệu bảng Anh tại nước này. Các nhóm tội phạm mạng đã tìm cách khai thác đại dịch Covid-19 để thu lời bất chính.
Cảnh sát và các tổ chức từ thiện cảnh báo rằng những người lớn tuổi có nhiều khả năng bị nhắm đến bởi những kẻ lừa đảo qua mạng (Ảnh: Reuters) |
“Phần lớn các vụ lừa đảo mà chúng ta đang thấy liên quan đến việc bán trực tuyến các mặt hàng bảo hộ và sản phẩm đang bị thiếu hụt trên toàn quốc, do sự bùng phát Covid-19”, Sanjay Andersen, Cục trưởng Cục Tình báo gian lận quốc gia Anh nói.
Bên cạnh đó, Action Fraud cũng cho biết, họ đã nhận được hơn 3.600 báo cáo về các email lừa đảo liên quan đến SARS-CoV-2.
Tội phạm mạng cũng đang cố gắng khai thác nỗi sợ hãi về sự bùng phát của SARS-CoV-2 với việc bán thiết bị bảo hộ cá nhân trực tuyến. Nạn nhân được yêu cầu nhập thông tin thanh toán và thông tin cá nhân của mình.
Mục đích của các cuộc tấn công lừa đảo này là để lừa người dùng chuyển thông tin cá nhân, chi tiết ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm độc hại bằng cách thuyết phục mọi người mở và trả lời các email có vẻ quan trọng.
Theo thống kê của Bộ Công an Trung Quốc, lực lượng chức năng nước này đã phá vỡ khoảng 101.000 vụ việc liên quan đến lừa đảo qua điện thoại và internet trong nửa đầu năm 2020, bắt giữ 92.000 đối tượng tình nghi. Trong số đó, các vụ lừa đảo liên quan đến dịch Covid-19 là 16.000 vụ với 7.506 nghi phạm.
Không chỉ lừa đảo mua các vật dụng y tế mà lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, các đối tượng tội phạm tại nước này đã sử dụng những chiêu thức như gọi điện thoại hoặc gửi email cho nạn nhân để lừa đầu tư, mua hàng, cung cấp các khoản vay giả, thậm chí giả danh cơ quan điều tra…
Chính quyền North Rhine - Westphalia (NRW), một tỉnh ở miền Tây nước Đức, được cho là đã mất hàng chục triệu Euro sau khi không xây dựng được một trang web an toàn để chi trả tiền hỗ trợ khẩn cấp liên quan đến Covid-19.
Các khoản tiền đã bị mất sau một hoạt động lừa đảo rất bình thường. Tội phạm mạng đã xây dựng trang web giả mạo trang chính thức mà Sở Kinh tế tỉnh NRW đã thiết lập để chi trả các hỗ trợ tài chính liên quan đến Covid-19.
Tin tặc đã phát tán các liên kết đến trang web của chúng bằng các chiến dịch email, thu hút người dùng truy cập, rồi thu thập thông tin chi tiết của họ. Sau đó, chúng thay mặt cho người xin hỗ trợ thực tế gửi yêu cầu đến Chính phủ nhưng đã sửa đổi tài khoản ngân hàng nhận tiền hỗ trợ.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Action Fraud cũng khuyến cáo người dân rằng cả cảnh sát và Chính phủ sẽ không yêu cầu người dùng chuyển tiền cho họ và đặc biệt không sử dụng bitcoin hoặc một loại tiền điện tử khác. Do đó, người dùng internet nên cẩn trọng về bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào trong các tin nhắn bất đáng ngờ đặc biệt là những liên kết có ý nghĩa khẩn cấp giả mạo.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết Mỹ đã mất hơn 12 triệu USD vì các vụ lừa đảo liên quan đến Covid-19 kể từ tháng 1 (Ảnh: ABC News) |
Bà Catherine de Bolle, Giám đốc điều hành Europol cho rằng, điều quan trọng là các công dân phải tự bảo vệ mình trước các loại tội phạm đang gia tăng. Bọn tội phạm sẽ luôn cố gắng để có được danh tính của mọi người. Từ đó, chúng sẽ tìm cách lấy tiền mà mọi người không hề đề phòng.
“Bạn cần phải hết sức cẩn thận khi truy cập internet ở nhà, phải bảo vệ máy tính như bảo vệ ngôi nhà của chính mình. Do đó, bạn phải rất cẩn thận khi mở email, khi muốn mua một thứ gì đó trên internet, đặc biệt là khẩu trang và găng tay - những mặt hàng có nhu cầu lớn tại thời điểm này. Bạn phải rất cẩn thận rằng bạn mua đúng thứ.
Bên cạnh đó, đừng mua các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên mạng, bởi vì tất cả những thứ đó đều là hàng giả. Điều quan trọng hơn cả, bạn phải lắng nghe Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch đang được thực hiện; Nghe lời khuyên từ các chuyên gia để biết họ đang nói gì về việc điều trị liên quan đến Covid-19”, bà Catherine nhấn mạnh.