Tổng thu của ngành du lịch Việt Nam 9 tháng qua đạt 16,5 tỷ USD
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội nghị (Ảnh: V.Q) |
Sáng 12/10, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 (MTF) với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch - Kiên cường phục hồi du lịch”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành du lịch vào giai đoạn khủng hoảng mang lại hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc tế, chấm dứt chuỗi 10 năm tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, ngành du lịch thế giới cũng đã chịu nhiều thiệt hại và rơi vào tình trạng đình trệ trong khoảng thời gian hơn hai năm. Dự kiến tới năm 2024 ngành du lịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mới có thể để lấy lại đà tăng trưởng.
Theo ông Khánh, đối mặt trước những thách thức và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã chủ động, tích cực thích ứng để triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch, vượt qua gần hai năm biến động.
Đặc biệt, quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những bài học quan trọng rút ra trong công tác phòng chống dịch.
“Trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 tỷ USD. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch”, ông Khánh cho hay.
Theo ông Khánh, du lịch là một lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), nhận được nhiều quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA).
Đặc biệt, những năm gần đây, hợp tác du lịch Tiểu vùng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ các nước, thu hút sự tham gia hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến du lịch điểm đến Mê Công để quảng bá 6 quốc gia một điểm đến; Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch đã được các bên liên quan đầu tư đúng mức.
Theo đó, du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật.
"Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực tiểu vùng Mê Công lần lượt mở cửa, chúng ta đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế và tôi tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể cho cả năm nay”, ông Khánh nói.
Để thúc đẩy phát triển du lịch vùng trong thời gian tới, ông Khánh đề nghị các nước thành viên tiếp tục chung tay triển khai hiệu quả Chiến lược Du lịch Mê Công 2016-2025 (Ảnh: V.Q) |
Cũng theo ông Khánh, để làm được điều đó, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực Nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Đồng thời từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển.
Theo đó, ông Khánh đề nghị, các nước thành viên tiếp tục chung tay triển khai hiệu quả Chiến lược Du lịch Mê Công 2016-2025, các kế hoạch hành động, dự án du lịch trong khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đảm bảo hiệu quả, khoa học và đem lại những kết quả cao nhất.
Đồng thời, các nước tăng cường hiệu quả của hoạt động hợp tác công - tư, thu hút nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các bên liên quan trong ngành; Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp; Mở rộng kết nối trong ngành du lịch và cả liên ngành để khám phá các cách thức mới phát triển du lịch theo định hướng bao trùm.