TP HCM ban hành kế hoạch thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển
Trước đó, UBND TP HCM cũng có văn bản đề nghị xử lý hàng loạt các bến thủy nội địa hoạt động không phép |
Tập trung thực hiện đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030
Theo đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, UBND TP HCM giao Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện cùng Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả.
Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT): Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan, thống nhất tham mưu UBND thành phố các văn bản góp ý gửi Bộ GTVT trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Đẩy mạnh cải cách hành chính; Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa; Triển khai thực hiện Quyết định số 3998/QĐ-UBND ngày 27/10/2020 của UBND TP HCM về phê duyệt Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố đối với nhiệm vụ phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đường thủy.
Cụ thể, Sở GTVT nghiên cứu đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách đường thủy từ TP HCM đi các tỉnh Tiền Giang, Long An (giai đoạn 2021 - 2025); Phát triển, đa dạng hóa các loại hình vận tải thủy buýt đường thủy, taxi thủy phục vụ vận tải hành khách đô thị và du lịch (triển khai các dự án đầu tư các tuyến vận tải hành khách đường thủy), gồm: Tuyến 1: Sài Gòn - Quận 7; Tuyến 2: Sài Gòn - Bình Lợi, Bình Hòa; Tuyến 3: Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi - sông Chợ Đệm; Tuyến 4: Sài Gòn - Hiệp Phước (giai đoạn 2021 - 2025); Tuyến 5: Bạch Đằng - rạch Chiếc - phân khu phía Đông VinCity; Tuyến 6: Sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đại - kênh Tham Lương (giai đoạn 2026 - 2030).
Sở GTVT cũng tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND TP HCM về phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020 - 2030, trong đó tập trung các nội dung: Ưu tiên nguồn thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển của TP HCM để tạo nguồn vốn ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 2021 - 2025).
TP HCM hoàn chỉnh đầu tư giao thông đường bộ kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai để khai thác tối đa năng lực hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng (nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định, đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, đường Nguyễn Duy Trinh...); Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy kết nối với hệ thống cảng biển, trong đó đặc biệt là nạo vét luồng, nâng cấp các công trình vượt sông đạt cấp kỹ thuật (các cầu trên các tuyến rạch Chiếc - Trau Trảu - sông Tắc, cầu Ông Nhiêu, các cầu trên tuyến rạch Giồng Ông Tố - rạch Đồng Trong)
TP đầu tư xây dựng cảng cạn (ICD) Long Bình mới trên sông Đồng Nai phục vụ di dời cụm cảng Trường Thọ, cảng cạn (ICD) trong Khu công nghệ cao trên rạch Ông Nhiêu phục vụ trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; Đầu tư phát triển mạng lưới giao thông thủy, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy hiện hữu, các bến thủy nội địa hiện có kết hợp kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến thủy nội địa trên các tuyến sông, kênh, rạch trong khu vực.
Đặc biệt, TP ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách, khách du lịch đường thủy trên địa bàn huyện Cần Giờ, Củ Chi; Phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch bằng đường thủy trên sông Sài Gòn; Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch của UBND TP HCM về liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành đơn vị liên quan đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách, khách du lịch bằng thủy từ bờ ra đảo tuyến Sài Gòn - Côn Đảo sau khi được Bộ GTVT công bố...
Các Sở, ban, ngành và địa phương cùng vào cuộc
Cũng theo nội dung triển khai kế hoạch sắp tới, UBND TP HCM giao: Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: Sau khi Thủ tướng Chính phủ thông báo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP HCM, căn cứ khả năng cân đối ngân sách TP HCM, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT và các cơ quan liên quan, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND TP HCM trình HĐND thành phố quyết định thông qua kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm cho các dự án đầu tư theo quy định; Phối hợp Sở GTVT và các đơn vị liên quan giới thiệu, xúc tiến kêu gọi đầu tư để tạo nhiều cơ hội thu hút về nguồn vốn đầu tư các công trình.
Đối với Sở Tài chính: Trên cơ sở danh mục dự án trọng điểm, cấp bách thuộc đề án theo đề xuất của Sở GTVT và các cơ quan liên quan, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND TP HCM ưu tiên bố trí kế hoạch vốn năm 2021 và vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện theo Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND TP HCM về phê duyệt Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030.
Sở Quy hoạch Kiến trúc: Phối hợp các đơn vị liên quan, nghiên cứu triển khai thực hiện đồng bộ với Đề án Phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020 - 2025... Đồng thời, nghiên cứu, rà soát nội dung phát triển hạ tầng, vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển trong nội dung lập điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Sở Công thương: Xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch triển khai hàng năm; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2020-2030.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu cơ chế sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ sông, kênh rạch linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng khu vực, sử dụng quỹ đất hành lang bờ sông để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ, thương mại và du lịch tạo nguồn thu cho ngân sách TP HCM.
Một bến thủy nội địa hoạt động không phép ngay bờ rạch Trao Trảo, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức |
Công an TP HCM: Chủ trì, phối hợp Sở GTVT, chính quyền địa phương giải tỏa các bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ không để các bến không đủ điều kiện hoạt động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong ngành vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
UBND TP Thủ Đức, UBND các quận - huyện: Phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở GTVT rà soát, bố trí quỹ đất phù hợp dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020; Phối hợp Công an TP HCM và các cơ quan, đơn vị liên quan giải tỏa các bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ không để các bến không đủ điều kiện hoạt động.
Các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận - huyện và các đơn vị liên quan định kỳ tháng 1 hàng năm đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp, báo cáo UBND TP HCM xử lý phù hợp.