TP HCM kiến nghị cải thiện chính sách đối với hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử
Một tiết mục ĐCTT diễn ra tại Lễ khai mạc Festival ĐCTT lần thứ I (Ảnh: Nguyên Pháp) |
Thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ (ngày 13/3/2018), UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 973 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn TP HCM (giai đoạn 2018 - 2020).
Theo đó, các quận, huyện của TP HCM đều ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức nhiều hoạt động, như: Liên hoan các giọng ca tài tử thiếu nhi TP HCM 2016 - giải Búp Sen Vàng; Liên hoan ĐCTT TP HCM - giải Hoa Sen Vàng 2017, 2019, 2021; Cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bài bản tổ nhạc tài tử Nam Bộ và bài ca vọng cổ, chặp cải lương 2018; Cuộc vận động sáng tác lời mới ĐCTT Nam Bộ chào mừng các ngày lễ lớn năm 2020 và Đại hội Đảng các cấp; Chương trình phát thanh “Thanh âm dân tộc” dạy ca tài tử trên sóng phát thanh; Tổ chức các lớp truyền dạy ca tài tử cho thiếu nhi trên địa bàn TP…
Theo kiểm kê năm 2020, TP HCM có 292 CLB, đội nhóm ĐCTT đang hoạt động với tổng số thành viên là 3.017 người, trong đó có 4 Nghệ nhân Ưu tú, 2 Nghệ nhân Nhân dân (được phong tặng danh hiệu năm 2019).
Nhìn tổng thể, hoạt động ĐCTT trên địa bàn TP HCM không những tăng về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng, không ngừng mở rộng đến nhiều đối tượng tham gia khác nhau như học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức và phạm vi thực hành được nhân rộng đến từng phường, xã, và tại quận Tân Bình còn nhân rộng đến cấp khu phố.
Các CLB, đội nhóm đều duy trì sinh hoạt đều đặn định kỳ hàng tuần và hàng tháng. Có thể kể một số CLB điển hình như: CLB ĐCTT Nguyễn Du Quận 1, CLB ĐCTT Cải lương Sen Việt Quận 3, CLB ĐCTT Quận 9, quận Phú Nhuận, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh…
Về phương hướng phát triển trong thời gian tới, báo cáo đề cập việc: Tổ chức thực hiện không gian giới thiệu và trình diễn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ định kỳ và thường xuyên nhằm phục vụ công chúng và du khách trong và ngoài nước tại Trung tâm Văn hóa TP HCM và một số quận huyện; Tổ chức sưu tầm, tập hợp những tài liệu, di sản có liên quan đến ĐCTT; Xây dựng đề án phát triển du lịch tại một số địa điểm có văn hóa phi vật thể ĐCTT gắn với lễ hội, di tích, cụm dân cư…
Để công tác bảo tồn và phát huy di sản ĐCTT trên địa bàn TP HCM thêm hiệu quả, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM kiến nghị UBND TP có giải pháp cụ thể về chế độ chính sách nhằm động viên các đơn vị sản xuất các chương trình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa dân tộc có nguy cơ bị mai một; Tổ chức nhạc hội ĐCTT Nam Bộ như một sự kiện văn hóa - nghệ thuật quan trọng của TP 2 năm một lần; Xây dựng và sớm triển khai kế hoạch khai thác ĐCTT Nam Bộ trong hoạt động du lịch (cần thiết nghiên cứu, chọn lựa một số tuyến điểm du lịch sông nước trên địa bàn TP).
Đồng thời, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, điều chỉnh về đối tượng, tiêu chuẩn mà Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc “hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn”. Vì quy định hiện nay không mang tính khả thi khi áp dụng vào thực tế, chưa thực sự thể hiện sự quan tâm, khuyến khích đối với các nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu để họ tiếp tục truyền nghề, cống hiến cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.