TP HCM sẽ thí điểm mở cửa lại một số chợ truyền thống khi đảm bảo yêu cầu phòng dịch
Nhiều chợ truyền thống tại TP HCM phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 |
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện nay để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Sở đã tổ chức khảo sát và công bố 2.833 điểm bán phân bố rộng trên 23 quận huyện và thành phố Thủ Đức; 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa.
Trước kia, mỗi ngày TP HCM nhập khoảng 7.000 tấn thực phẩm rau củ quả, thực phẩm tươi sống mỗi ngày, tuy nhiên từ khi TP thực hiện Chỉ thị 16, việc vận chuyển thực phẩm về thành phố đã gặp khó khăn, đặc biệt khi các chợ đầu mối và chợ truyền thống phải đóng cửa vì dịch bệnh. Theo đó, mỗi đêm sản lượng rau củ, quả thực phẩm tươi sống về thành phố giảm còn 2.200 - 2.300 tấn.
"Vì vậy, để giải quyết việc cung cấp thực phẩm, Sở sẽ kết hợp với nhiều doanh nghiệp đưa vào hoạt động thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân. Trước đó, Sở đã phối hợp với 7 đơn vị để mở 153 điểm bán hàng lưu động với 172 lượt xe (có nhiều điểm 2 - 3 xe tải vận chuyển hàng) để phục vụ người dân.
Trong đó, 68 điểm tại bưu cục của Viettel Post, 22 của VN Post ở 18 quận huyện, cung cấp vài chục tấn hàng hóa đầu tiên bao gồm nhiều loại nông sản, thực phẩm tươi như rau, củ, quả. Sở cũng phối hợp với Công ty Ba Huân, San Hà và một vài siêu thị khác mở 63 điểm để phân phối cho người dân. Các điểm bình ổn lưu động trên đều bán giá thấp hơn hoặc bằng giá bán theo quy định của Sở", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Đối với việc thí điểm mở cửa lại một số chợ truyền thống, theo ông Vũ, Sở đã làm việc tích cực với quận - huyện mở để khảo sát địa điểm, đánh giá các yêu cầu phòng chống dịch. Khi mở lại chợ, các chợ này sẽ hoạt động theo mô hình tự quản giảm tối đa việc tiếp xúc. Theo đó, các tiểu thương phải tạo khoảng trắng khi bày bán hàng, không giao dịch quá lâu từ việc lựa chọn hàng hóa, cân đo, đong đếm đều thực hiện nhanh để phòng chống dịch.
Các tiểu thương bán hàng phải có kinh nghiệm, năng lực kinh doanh thực phẩm tươi sống và có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Người dân sẽ được phát phiếu mua hàng theo giờ, không tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương để đảm bảo phòng chống dịch.
Các tiểu thương khi được mở hàng lại phải tuân thủ các quy định phòng dịch |
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, khi tổ chức bán hàng lưu động, Sở Công thương và các nhà cung cấp cần khảo sát để khớp nối giữa nhu cầu thực phẩm của người dân tại từng địa bàn, của xã hội với việc tăng các điểm bán hàng lưu động nhằm tránh nơi thừa, nơi thiếu. Bởi khi chúng ta tăng 5 - 7 điểm bán hàng lưu động nhưng không phù hợp với khu vực người dân sinh sống vì chúng ta không khảo sát thì không giải quyết được căn cơ nhu cầu của người dân. TP tăng điểm bán hàng lưu động nhưng cần hướng đến mục tiêu đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân nhưng phải tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch.
Đối với việc thí điểm mở lại một số chợ truyền thống, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, TP đã nhận được đề xuất, tuy nhiên các nơi cần có những tính toán các phương án phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Ví dụ, có thể tính toán đến phương án kẻ vạch, phân ô tại các vỉa hè, sân vận động để tiểu thương mua bán nhu yếu phẩm thay vì lựa chọn mở lại gian hàng trong chợ truyền thống có không gian nhỏ.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng đặc biệt lưu ý, các phương án thí điểm mở lại chợ truyền thống cần được tính toán kỹ lưỡng và phù hợp với tình hình cụ thể tại từng địa bàn, trong đó phải ưu tiên đảm bảo quy định phòng dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.