Kênh mua bán online “lên ngôi” trong mùa dịch Covid-19
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người đã lựa chọn cách mua hàng qua kênh online thay vì đến các siêu thị, trung tâm thương mại
Bài liên quan
“Dịch tin giả” trục lợi, lan truyền nhanh hơn dịch Covid-19?!
Phát triển thương mại điện tử qua Ngày hội mua sắm Online Friday
Cân đối nguồn cung thịt lợn, góp phần bình ổn thị trường
Tăng cường liên kết, sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong mùa dịch
Hàng Việt Nam ngày càng chinh phục niềm tin của người tiêu dùng
Thay đổi thói quen
Nếu như trước kia các khu trung tâm thương mại, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị luôn tiếp nhận một lượng lớn khách hàng đến tham quan, mua sắm, thì hơn một tháng qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn thói quen này. Nhiều người đã thay đổi bằng hình thức mua sắm trực tuyến.
Chính sự thay đổi thói quen mua sắm của người dân cũng khiến các trang thương mại điện tử có sự điều chỉnh thích hợp để phục vụ người dân. Đơn cử, nếu như trước đây người mua hàng online chủ yếu chọn các mặt hàng thời trang hay điện máy thì những đơn hàng online hiện nay có cả những sản phẩm thiết yếu như nước mắm, muối, đường, dầu ăn, mì gói, gạo, thực phẩm khô, chế biến hộp... giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và mua sắm hàng hóa thiết yếu tại nhà, giảm thiểu tiếp xúc nơi đông người.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh người đi mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại giảm mạnh vì lo sợ lây nhiễm dịch Covid-19, kênh mua sắm online được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, nhà kinh doanh thương mại điện tử cũng cần nắm thị hiếu tiêu dùng, thay đổi nhóm hàng phù hợp với nhu cầu mua sắm online của người dân.
Trong mùa dịch Covid-19 nhiều người dân lựa chọn mua hàng qua kênh online để hạn chế tiếp xúc nơi đông người |
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với người lạ, hạn chế trao trả tiền mặt… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chỉ dẫn này, thói quen mua sắm trực tiếp qua hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm thương mại trong dân giảm rất nhiều.
Chị Trần Phương Linh (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Đang trong mùa dịch nên tôi muốn tránh xa chỗ đông người. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, những ngày qua tôi thường đặt hàng online, từ thực phẩm ăn uống hàng ngày đến các đồ dùng thiết yếu trong gia đình. Điều tiện lợi nhất việc mua sắm online là dù trời mưa, trời nắng thì người mua chỉ cần ở nhà và sẽ có người vận chuyển đến tận nơi cho mình”.
Đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân
Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương Hà Nội cho thấy, những ngày qua, trong khi doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại và chợ truyền thống có phần chững lại thì doanh số kênh bán hàng trực tuyến có dấu hiệu tăng trưởng. Theo báo cáo từ một số siêu thị trên địa bàn Thủ đô, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 25 - 30%.
Cụ thể, các siêu thị đã triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và tăng cường các dịch vụ qua bán hàng trực tuyến. Đơn cử, từ đầu tháng 2, hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ "gọi điện đặt hàng" và giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho biết: Sau khi triển khai dịch vụ "gọi điện đặt hàng", số đơn đặt hàng qua điện thoại đã tăng trưởng mạnh với mức tăng trên 200% so với tháng trước.
Cũng như Big C, hệ thống siêu thị Co.op Mart bên cạnh bảo đảm nguồn hàng đã đẩy mạnh triển khai kênh mua sắm qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân cả nước. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông chia sẻ: Từ đầu tháng 3 đến nay, kênh mua sắm qua điện thoại của hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc đã tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường.
Còn theo đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và nhận giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng trên.
Một số hệ thống siêu thị khác cũng đang tích cực kích cầu bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada... và tăng cường các hoạt động giảm giá, khuyến mãi...
Thông tin về việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định: “Hà Nội có phương án chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30 - 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online để giúp người dân tránh phải đi tới nơi đông người, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”.
Hiện tại, Sở Công thương Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị không găm hàng, có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, bảo đảm mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ hàng hóa.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để đáp ứng cho thị trường Hà Nội.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là cú hích tạo đà cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là sự “lên ngôi” của mua sắm online, từ đó tạo ra những thay đổi trong việc mua sắm, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy thói quen mua sắm văn minh, hiện đại.