TP HCM sẽ xử lý nghiêm người kiếm cớ ra đường trong khi thực hiện Chỉ thị 16
TP HCM sẽ xử lý nghiêm tình trạng mượn áo shipper để ra đường |
Sáng 25/7, tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP HCM, một số phóng viên đã đặt câu hỏi vừa qua, lượng phương tiện giao thông tại TP HCM đang gia tăng trở lại, đặc biệt xuất hiện tình trạng mua bán áo của shipper để kiếm cớ ra đường, thành phố có biện pháp nào để xử lý nghiêm các trường hợp này?
Trả lời vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, vừa qua có 2/3 xe lưu thông đi trên đường là đối tượng người làm shipper. Trong đó, shipper có 2 dạng là shipper công nghệ và shipper là xe ôm truyền thống chuyển qua làm shipper. Tuy nhiên, vừa qua Thành phố đã nắm được tình trạng một số người dân mua bán quần áo shipper để kiếm cớ ra đường và TP HCM cũng đã yêu cầu các chốt kiểm soát thắt chặt kiểm tra, xử lý được khá nhiều trường hợp.
Theo ông Dương Anh Đức, khi kiểm tra tại các chốt ra vào thành phố, ngành công an có thể phân biệt được ngay ai đang giả làm shipper. Cụ thể, khi là shipper công nghệ phải có ứng dụng và lệnh giao dịch trong điện thoại. Hiện nay, thành phố đang áp dụng giải pháp mang tính răn đe để người dân không lợi dụng lý do này ra đường. Tuy nhiên, trong thời gian tới TP HCM sẽ làm nghiêm hơn để ngăn chặn tình trạng này.
Tương tự, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, hiện nay thành phố chỉ cho shipper được hoạt động nếu vận chuyển mặt hàng thiết yếu và shipper có quyền từ chối hàng hóa không phải thiết yếu. Khi đến các chốt trạm kiểm tra, lực lượng chức năng kiểm tra nếu không phải shipper và không chở mặt hàng thiết yếu thì có thể xử lý.
Thông tin thêm về hoạt động shipper, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cho biết, lực lượng chức năng đang tăng cường quản lý, tuần tra người ra đường không lý do trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Đặc biệt, trường hợp mua bán trang phục của shipper để ra đường, ngành chức năng sẽ có biện pháp cụ thể hơn để giải quyết.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 55 ngày, các lực lượng phải căng mình chống dịch, nhân dân cũng chịu đựng nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta phải cố gắng đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh mới có thể ngăn chặn dịch bệnh. Ngoài ra, phải từ 1- 2 tuần tới, các biện pháp áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP HCM mới phát huy tác dụng. Sau khi có kết quả đã ngăn chặn lây lan và phát tán dịch bệnh, khi đó thành phố mới tuyên bố điều chỉnh hoặc kết thúc các biện pháp cách ly, phong tỏa như hiện nay. Ngược lại, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến xấu, TP có thể tiếp tục khởi động tình huống 3.
Vì vậy, ông Phan Văn Mãi mong muốn các cơ quan, đơn vị, các lực lượng phòng chống dịch, các tầng lớp nhân dân cần nâng cao ý thức, nhìn nhận đúng mức độ phức tạp của dịch. Hiện nay, đa số ca bệnh mới đều phát hiện do lây lan trong khu vực cách ly, phong tỏa vì vậy các địa phương cần triệt để thực hiện giãn cách xã hội tại khu vực này. Cụ thể, các đơn vị phải thực hiện tốt việc cách ly giữa người với người, gia đình với gia đình, trường hợp thật cần thiết mới ra đường và khi ra đường phải có lý do cụ thể nếu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.