TP HCM xử phạt 389 triệu đồng với các hành vi vi phạm Chỉ thị 16
Toàn cảnh buổi họp báo |
Tạo luồng xanh cho xe ưu tiên
Chiều tối 10/7, UBND TP HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16.
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã đặt các câu hỏi liên quan đến việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn khi triển khai Chỉ thị 16, ngành giao thông tổ chức cho các phương tiện ưu tiên ra - vào thành phố theo làn xanh như thế nào, công tác thu gom rác thải trong các khu cách ly liệu có đảm bảo và có bị “quá tải” hay không?...
Trả lời về vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn, Thượng tá Lê Mạnh Hà, đại diện Công An TP HCM cho biết, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi triển khai Chỉ thị 16 của Chính phủ, thành phố đã triển khai 12 chốt trạm kiểm soát cấp thành phố và 266 chốt kiểm soát tại các quận, huyện để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên tình hình phạm pháp an ninh trật tự đã giảm bầng 1/3 so với trước.
Tình hình người dân lưu thông và kiểm tra tại các chốt, tính đến 12 giờ trưa nay, tại các chốt kiểm soát của TP HCM và quận huyện đã kiểm tra 51.890 lượt phương tiện bao gồm ô tô, mô tô, xe chở chuyện gia, xe chở bệnh nhân, công nhân, xe tải…
Số người kiểm tra là 33.624 người. Kết quả đã lập biên bản 203 trường hợp về các hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở cửa kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu… Tổng số tiền xử phạt trong 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16 là 389 triệu đồng.
Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Lê Mạnh Hà thông tin tại họp báo |
“Trong 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, địa bàn có mật động phương tiện lưu thông nhiều nhất sau 2 ngày thực hiện giãn cách là quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Củ Chi, Quận 7... Các quận có số lượng người bị xử phạt nhiều là Quận 10, Quận 6, Quận 12 và những quận bị phạt tiền nhiều là Quận 12, huyện Hóc Môn, Quận 5”, ông Lê Mạnh Hà nói.
Thông tin về việc nên mang giấy tờ tùy thân gì khi ra ngoài đường khi có việc cần thiết, đại diện phòng cảnh sát giao thông TP HCM cho biết, theo quy định hiện nay, khi qua chốt kiểm dịch, người dân cần phải có các giấy tờ tùy thân như: Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, phải khai báo y tế khi ra khỏi nhà cũng như qua chốt; mang giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến phương tiện giao thông; mang theo giấy tờ xác nhận cơ quan, thẻ cán bộ công nhân, viên chức; đặc biệt phải tuân theo nguyên tắc 5K…
Chia sẻ về thông tin việc cấp Giấy nhận diện phương tiện (QR Code) để tạo thuận lợi ((làn) luồng xanh) cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa; vận chuyển chuyên gia, công nhân và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan từ TP HCM đi các tỉnh, thành; từ các tỉnh, thành đến TP HCM và các phương tiện đi qua địa bàn trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, TP HCM đã cấp được 8.780 giấy phép đi theo làn xanh cho đối tượng được ưu tiên khi cần ra vào thành phố. Tính từ khi xin cấp giấy đến khi ra giấy phép các doanh nghiệp, đơn vị chỉ mất khoảng 24 giờ đồng hồ.
“Sở dĩ TP HCM xây dựng các làn xanh để giải quyết tình trạng ùn ứ, chậm thời gian của các xe ưu tiên khi đi qua các chốt, trạm kiểm soát ra, vào thành phố. Các phương tiện giao thông được cấp giấy có mã quét QR - ưu tiên đi làn xanh khi vào thành phố cũng sẽ được chạy vào giờ cấm để tránh trường hợp chậm giờ đi làm, chậm giờ giao hàng thiết yếu…”, ông Võ Khánh Hưng nói.
Tuy nhiên theo ông Hưng, việc xây dựng làn xanh tại các cửa ngõ ra vào thành phố còn tùy thuộc vào địa bàn chốt chặn đó có đủ điều kiện để thực hiện hay không, với các mặt bằng có 2 làn xe lưu thông thì không thể tổ chức thêm làn xe ưu tiên. Cụ thể như các mặt bằng không xây dựng được các làn xanh như: Quốc lộ 22 giáp Củ Chi - Tây ninh, Quốc lộ 13 giáp Bình dương, trên Đường Trần Văn Giàu Giáp Long An….
Đáp ứng khoảng 30.000 giường bệnh cho bệnh nhân Covid
Trả lời các câu hỏi liên quan đến công tác phòng chống dịch, PGS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, trong 1 tuần tới Sở Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị mở rộng, chuẩn bị thêm hơn 16.000 giường bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu thu dung các trường hợp nhiễm Covid - 19 nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hiện nay, để phục vụ công tác điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid -19, Ngành y tế thành phố chia làm 3 tầng gồm tầng bệnh viện hồi sức chuyên sâu Covid -19; tầng bệnh viện điều trị Covid - 19 trung bình tại các quận, huyện, TP Thủ Đức; tầng bệnh viện thu dung điều trị ( các ca nhiễm Covid -19 bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng).
Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng phát biểu tại họp báo. |
Đến nay, thành phố đáp ứng được 12.500 giường bệnh cho các bệnh nhân Covid - 19. Trong đó có 6.500 giường bệnh điều trị chuyên sâu. Trong 6.500 giường bệnh điều trị chuyên sâu, có 1000 giường bệnh chuyên điều trị các trường hợp nhiễm Covid -19 nặng
PGS Tăng Chí Thượng cho biết, theo kế hoạch, trong 1 tuần tới Sở Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị mở rộng, chuẩn bị thêm hơn 16.000 giường bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu thu dung các trường hợp nhiễm Covid – 19 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Như vậy TPHCM sẽ có khoảng 30.000 giường bệnh để tiếp nhận các trường hợp nhiễm Covid -19
Đảm bảo năng lực xử lý chất thải tại khu cách ly
Cũng tại buổi họp báo, chia sẻ về vấn đề xử lý chất thải y tế tại các khu cách ly Covid-19, trong đó có vấn đề mà báo chí phản ánh về việc tồn đọng rác thải y tế tại các nơi cách ly, gây nhiều nguy cơ lây nhiễm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, tình trạng này do ban đầu các khu cách ly còn bị động, hiện tại đã được rút kinh nghiệm. Hiện nay chỗ nào tồn đọng, sẽ được Sở tài nguyên môi trường xử lý ngay.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, hiện toàn thành phố có tổng số 128 các khu cách ly, thải 42 tấn chất thải mỗi ngày. Để xử lý khối lượng chất thải này, ngành môi trường thành phố huy động 40 phương tiện vận chuyển chất thải xử lý, huy động 200 công nhân. Thời gian căn cứ tình hình thực tế, có khu cách ly được lấy 3 lần ngày, có khu 1 lần. Hiện Công ty môi trường đô thị TP HCM và công ty môi trường đô thị Việt Úc là 2 đơn vị đảm bảo xử lý rác thải y tế tại các khu cách ly. Theo ông Thắng, căn cứ vào tình hình thực tế, ngành môi trường thành phố dự kiến có thể nâng công suất xử lý chất thải y tế tại các khu cách ly Covid -19 lên 100 tấn rác thải/ngày.