TP Hồ Chí Minh: Dấu ấn khôi phục và phát triển kinh tế hậu COVID-19
Khôi phục và mở rộng thị trường
Những ngày này, Công ty TNHH Thủy sản Minh Sơn, (TP Thủ Đức) đang tất bật chuẩn bị những đơn hàng mới xuất khẩu sang thị trường mới. Trong 6 tháng qua, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) này đã khôi phục trở lại, các đơn hàng xuất khẩu của đơn vị đã được ký đến hết năm 2022.
Theo ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Minh Sơn, nguyên nhân từ đầu tháng 1/2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, DN đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong khi trước đây, các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Mỹ…
“Vì vậy, để phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, DN và người dân cần hỗ trợ lớn về dòng tiền bên cạnh các chính sách ưu đãi thuế, phí. Dòng tiền này cũng sẽ phát huy sức mạnh khi nó được đưa vào sản xuất một cách thuận lợi và lưu thông, sử dụng trong một môi trường thông thoáng tại các DN được tiếp cận vốn ưu đãi từ sớm”, ông Sơn nói.
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đang phục hồi và phát triển với niềm tin thắng lợi lớn trong năm 2022 |
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, kiêm Chủ tịch Hội Nhựa cao su TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, hầu hết các thành viên trong hội đều có đơn hàng xuất khẩu tăng ít nhất từ 10 - 30% so với trước. Hiện nay, các DN nhận được đơn hàng tăng đều ở nhiều mặt hàng khác nhau, quy mô đặt hàng cũng rất đa dạng do nhu cầu hồi phục tiêu dùng ở từng thị trường xuất khẩu cũng rất khác. Tuy nhiên, đa số DN đã khôi phục mạnh mẽ trở lại sau mùa dịch bệnh COVID-19 và đang ổn định hoạt động sản xuất, lấy đà tăng trưởng cho những tháng tới.
“Dự kiến những tháng tới, các DN tiếp tục mở rộng thị trường và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, các DN cũng kỳ vọng thành phố tạo thêm nhiều điều kiện về hỗ trợ lãi suất về vay vốn, giảm thuế, thuê đất cho DN đang gặp khó khăn để họ tiếp cận các điều kiện tốt nhất nhằm khôi phục sản xuất”, ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.
Cảng Cát Lái, nơi đóng vai trò quan trọng cho xuất nhập khẩu TP Hồ Chí Minh |
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - thêu - đan TP Hồ Chí Minh cho biết, khảo sát nhanh do hội vừa thực hiện cho thấy đơn hàng được 90% DN ký đủ đến hết quý III/2022, thậm chí có 30 - 40% DN đạt được các đàm phán thỏa thuận cho cả năm. Do đó, đây là cơ hội để nhiều DN tranh thủ thời gian thuận lợi để tăng công suất vì có nơi buộc phải giao gấp do yêu cầu của nhà đặt hàng.
“Dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu khiến nhiều nhà đặt hàng cũng linh hoạt, họ thay đổi nơi sản xuất liên tục để tránh bị gián đoạn nguồn cung. Hiện nay để cạnh tranh, không ít DN trong nước cũng phải thích ứng theo tình hình sản xuất mới, đầu tư thêm nhân công, nhà xưởng để mở rộng sản xuất, tập trung đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm… Nếu đáp ứng tốt, DN mới có khả năng giữ được hợp đồng với mức giá thích hợp, Chủ tịch Hội Dệt may - thêu - đan TP lý giải.
Lấy lại ngôi vị “quán quân” xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, TP Hồ Chí Minh đã lấy lại ngôi vị "quán quân" xuất khẩu của cả nước, khi thu về gần 21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đời sống người dân TP Hồ Chí Minh hôm nay |
Nhìn nhận điều này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đánh giá, đây là tín hiệu rất tích cực, được người dân và DN mong đợi, cho thấy TP Hồ Chí Minh đã hồi phục sau “cơn bệnh” rất nặng do đại dịch COVID-19. Điều này cũng cho thấy ngay trong thời điểm dịch, TP vừa kiên cường chống dịch vừa có công tác chuẩn bị cơ hội sớm nhất để phục hồi.
Một góc TP Hồ Chí Minh |
Ngoài ra, theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm, các giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025 đã tác động tích cực đến việc phát triển sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, các ngành và lĩnh vực đều có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 6 ước đạt 57.800 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước và tăng 13% so với tháng 6 năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ, chủ yếu tập trung các ngành lương thực, thực phẩm, chế biến… Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 21 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân khôi phục nền kinh tế TP Hồ Chí Minh trong những tháng đầu năm, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho biết, có 5 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của TP trong 6 tháng qua, gồm 4 nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các DN sản xuất - xuất khẩu, xây dựng, kinh doanh bất động sản, du lịch và thương mại. Cụ thể, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân nhộn nhịp đi du lịch, mua sắm trở lại; DN tiếp tục được thành lập mới, hoạt động; Dư nợ tín dụng tăng hơn 7,3% so với đầu năm, tăng 15 - 16% so với cùng kỳ là tín hiệu hoạt động sản xuất kinh doanh đang được mở rộng…
TP Hồ Chí Minh vẫn luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước |
Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bởi hai khu vực dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tại TP đã chiếm 88% tổng vốn đầu tư, nên việc cải thiện môi trường đầu tư có ý nghĩa rất lớn.
“Mặt khác, với vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước, đóng góp khoảng 22% GDP, gần 30% ngân sách quốc gia và là trung tâm kinh tế gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nên việc thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu phục hồi, tăng trưởng kinh tế của cả nước chứ không riêng gì của TP…”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, năm 2021, chưa bao giờ TP gặp khó khăn, chịu tác động nặng nề khi dịch COVID-19 xuất hiện. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh đã khôi phục trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh khôi phục dần, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng. Sắp tới, hướng phát triển mới cho TP là hình thành một mô hình kinh tế với cơ cấu chọn lọc, đề cao giá trị gia tăng và tính kết nối vùng, khu vực, quốc tế.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 |
“Thay vì TP Hồ Chí Minh trở thành đại công trường và duy trì những ngành thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày... TP cần chuyển đổi triệt để hơn nữa sang nền kinh tế tri thức, kinh tế số và những hoạt động tài chính cao cấp. Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh cũng xác định rõ phát triển kinh tế không phải là biến thành phố thành một người khổng lồ đơn độc mà phải giải được bài toán liên kết vùng, khu vực. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt kinh tế toàn vùng cũng như cả đất nước”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết.
Đồng hành, đóng góp cho sự hồi phục, phát triển kinh tế chung của thành phố có thể kể đến hoạt động của Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, khi tại nơi đây, những cuộc họp để đưa ra những quyết sách khôi phục kinh tế được tổ chức thường xuyên từ trực tiếp đến trực tuyến. Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2021, khi TP Hồ Chí Minh căng mình chống dịch thì Trung tâm Báo chí đã phát huy đúng chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm - Ngôi nhà thứ 2 của các phóng viên báo chí và là nơi kết nối tổ chức các cuộc họp báo trực tiếp và trực tuyến. Cách tổ chức và cung cấp thông tin qua các cuộc họp báo đã được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và thành phố đánh giá rất cao. “Việc áp dụng phương thức truyền thông mới đã tạo ra “hiện tượng” mới trong phát triển nền tảng số của cơ quan Nhà nước, như chương trình phát sóng trực tiếp livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, với nhiều thông tin về hỗ trợ vốn, giải quyết khó khăn cho DN trong và sau mùa dịch để kịp thời cung cấp những chính sách hỗ trợ thiết thực của TP Hồ Chí Minh đến DN, người dân. Từ các cuộc họp và các chương trình đã giúp DN có những quyết sách hồi phục hoạt động sản xuất của DN nói riêng và nền kinh tế TP Hồ Chí Minh nói chung…”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết. |