TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh gói hỗ trợ, tiêm vắc xin và kêu gọi hiến máu cứu người
Đẩy mạnh hiến máu tình nguyện trong "bão dịch" Lan tỏa ý nghĩa cao đẹp của hành động hiến máu, cứu người |
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì buổi họp báo |
Hỗ trợ trước ngày 15/8
Chia sẻ thông tin về việc triển khai gói hỗ trợ lần 2 kịp thời và đến tận tay người dân trong thời điểm giãn cách xã hội, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng số lao động tự do sẽ được hỗ trợ lần 2 là 365.000 người, tương đương với số người lao động đã được hỗ trợ lần 1. Việc hỗ trợ người lao động tự do lần 2 sẽ hoàn thành trước ngày 15/8.
Theo ông Lê Minh Tấn, tính đến nay, người dân và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã qua gần 70 ngày giãn cách để chiến đấu với dịch Covid-19. Khi thực hiện giãn cách, nhiều người lao động gặp khó khăn. Vì vậy, TP tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 2 cho 3 nhóm đối tượng như: Lao động thất nghiệp, lao động tự do (không kí kết hợp đồng lao động) và hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng kinh phí hỗ trợ 3 đối tượng trên là 900 tỷ đồng. Kinh phí từ ngân sách thành phố và xã hội hóa kêu gọi từ trong và ngoài nước.
Tính đến nay, một số quận, huyện đã chi trả được nhiều trường hợp nhất là quận Tân Bình (hơn 40%), tiếp đến là các Quận 1, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, Tân Phú. Các quận, huyện và TP Thủ Đức đang phấn đấu hỗ trợ xong cho đối tượng này trước ngày 15/8.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, hiện nay TP đang triển khai gói an sinh để hỗ trợ đợt 2 cho các trường hợp yếu thế, khó khăn trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, TP Hồ Chí Minh cần thống kê cụ thể các đối tượng để sự hỗ trợ đến kịp thời và tận tay người dân, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng.
“Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp và kéo dài đang khiến cuộc sống của bà con, người lao động nghèo trong các khu vực cách ly, phong tỏa… trên địa bàn TP ngày càng khó khăn. Với quan điểm “không bỏ lại một ai ở phía sau”, chính quyền TP Hồ Chí Minh quyết tâm chăm lo cho người lao động nghèo, hộ nghèo bằng nhiều hoạt động thiết thực”, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.
Kêu gọi hiến máu cứu người
Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn máu dự trữ tại TP đang sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ thiếu máu điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19. Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu TP và Sở Y tế đang phối hợp với Công an thành phố tạo “luồng xanh” cho người dân được di chuyển thuận lợi đến các điểm hiến máu.
Nguồn máu dự trữ tại TP Hồ Chí Minh đang sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ thiếu máu điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19 |
Theo ông Trần Trường Sơn, kể từ tháng 5/2021 đến nay, đặc biệt tháng 7 và 8, công tác vận động hiến máu nhân đạo trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và phải thực hiện giãn cách xã hội. Thành phố đang đối diện với nguy cơ thiếu máu cho công tác cấp cứu, điều trị; Lượng dự trữ tháng 8 tại ngân hàng máu thiếu hụt 8.000 túi, trong đó nhóm máu thiếu nhiều là O, A.
“Thiếu máu cấp cứu cũng như thiếu oxy trong điều trị Covid-19”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm và cho rằng, TP cần đẩy mạnh vận động hiến máu nhân đạo tại các khu dân cư; Đẩy mạnh công tác vận động hiến máu cho các đối tượng cán bộ công chức, viên chức…
Vừa qua, Sở Y tế và Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu TP Hồ Chí Minh đã thống nhất việc tạm ngưng tổ chức các tua hiến máu lưu động tại các khu dân cư; Đẩy mạnh công tác vận động và tổ chức hiến máu cho 4 đối tượng theo Công văn 2608/UBND-VX của UBND TP tại các Sở, ban ngành, mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội, lực lượng quận sự, công an, cán bộ, công nhân viên, người lao động thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp và một số doanh nghiệp đặc thù trong khu vực vùng xanh kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19; Đảm bảo người tham gia hiến máu là người không nhiễm bệnh (F0) hoặc không nằm trong diện nguy cơ nhiễm bệnh (F1); Đồng thời điểm hiến phải tuân thủ bộ tiêu chí điểm hiến máu an toàn phòng chống Covid-19 do Sở Y tế ban hành.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin
Chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, TP triển khai 5 tầng thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Mới đây dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế, TP đã đưa 3 Trung tâm Hồi sức Covid-19 vào hoạt động với quy mô 1.500 giường. Tất cả trung tâm này đều có oxy trung tâm, bồn lọc áp lực cao đáp ứng được nhu cầu sử dụng máy thở cho bệnh nhân. TP đã có các Trung tâm Hồi sức đã triển khai (Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện 175).
TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000 - 300.000 mũi/ngày |
Tính đến trưa 9/8, Bộ Y tế phân bổ 17 đợt vắc xin cho TP, với 4.111.040 liều và đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi. Thành phố đã tổ chức các đợt tiêm chủng 1, 2, 3, 4 từ ngày 8/3 đến ngày 30/6, với tổng số vắc xin được phân bổ cho 4 đợt này là 923.050 liều, trong đó đã tiêm được 991.872 mũi tiêm (927.456 mũi 1 và 64.416 mũi 2).
Thành phố tiếp tục tổ chức tiêm chủng đợt 5 từ ngày 20/7 đến nay với tổng số vắc xin được phân bổ là 3.187.990 liều. Tính đến 12 giờ ngày 9/8, TP đã tiêm tổng cộng 2.439.118 mũi tiêm/3.187.990 liều vắc xin được cấp.
“Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000 - 300.000 mũi/ngày. Với số vắc xin còn lại là 913.204 liều đã cấp phát cho các đơn vị tiêm chủng, dự kiến đến hết ngày 12/8, TP sẽ sử dụng hết số vắc xin được cấp. Thành phố cũng đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp vắc xin trong tháng 8 với tổng số liều là 5,5 triệu liều để đạt mục tiêu đạt độ bao phủ vắc xin cho người dân TP trong công tác phòng chống dịch Covid-19”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nói.